James Webb ghi dấu đột phá: Phát hiện 'hành tinh từ cõi chết' lạnh nhất vũ trụ
Một hành tinh kỳ lạ quay quanh 'xác sống' của một ngôi sao đã tắt, lạnh đến mức vượt xa mọi ngoại hành tinh từng được phát hiện và James Webb chính là nhân chứng.
Kính viễn vọng không gian James Webb một lần nữa chứng minh sức mạnh vượt trội của mình khi giúp các nhà khoa học lần đầu tiên vén màn bí ẩn về WD 1856+534 b một hành tinh khổng lồ quay quanh sao lùn trắng, với nhiệt độ trung bình lạnh thấu xương: -87°C.

"Hành tinh từ cõi chết" WD 1856+534 b hiện ra phía sau một sao lùn trắng bé nhỏ - Ảnh đồ họa: NASA
Theo trang khoa học Universe Today, đây là hành tinh lạnh nhất từng được con người biết đến và cũng là một trong những ngoại hành tinh đặc biệt nhất từng quan sát được.
WD 1856+534 b lần đầu được phát hiện vào năm 2020 qua phương pháp quá cảnh khi ánh sáng từ ngôi sao mẹ bị che khuất đột ngột, báo hiệu có một hành tinh bay ngang qua. Tuy nhiên, ngoài tín hiệu mờ nhạt đó, nhân loại hầu như không biết gì thêm về thế giới xa xôi này.
Sự đặc biệt của WD 1856+534 b nằm ở việc nó quay quanh một sao lùn trắng phần tàn dư nguội lạnh còn sót lại sau cái chết của một ngôi sao khổng lồ. Các hành tinh quay quanh loại sao này rất khó quan sát vì chúng phát sáng yếu, gần như chìm trong bóng tối vũ trụ.
Giờ đây, nhờ kính viễn vọng không gian James Webb và công trình dẫn đầu bởi Tiến sĩ Mary Anne Limbach thuộc Đại học Michigan (Mỹ), giới khoa học lần đầu tiên có được dữ liệu chi tiết về WD 1856+534 b.
Thông qua công nghệ cảm biến hồng ngoại hiện đại, nhóm nghiên cứu đã xác định được nhiệt độ của hành tinh này chỉ khoảng -87°C biến nó thành ngoại hành tinh lạnh nhất từng được ghi nhận. Khối lượng của nó cũng được làm rõ: không quá 6 lần khối lượng Sao Mộc trái ngược với ước tính trước đó là gần 14 lần.
Đặc biệt hơn, phát hiện này còn cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy các hành tinh vẫn có thể tồn tại thậm chí tiến gần hơn – sau khi ngôi sao mẹ của chúng chết đi và trở thành sao lùn trắng. Đây là một bước tiến lớn trong việc hiểu về sự sống còn của hệ hành tinh sau “cái chết” của ngôi sao trung tâm.
Trước đây, việc nghiên cứu các hành tinh quanh sao lùn trắng gần như là bất khả thi vì độ sáng cực thấp. Thế nhưng phát hiện lần này đã mở ra một chương mới: các “thế giới sau cái chết” không chỉ tồn tại, mà còn có thể là nơi tìm thấy những điều kiện sống chưa từng được tưởng tượng.
Với giới thiên văn học, WD 1856+534 b giờ đây không chỉ là một hành tinh lạnh lẽo mà còn là cánh cửa đầu tiên dẫn đến một “miền đất hứa” quanh các ngôi sao đã chết. Và biết đâu, đâu đó giữa vũ trụ tối tăm ấy, vẫn còn những bí ẩn đang chờ được James Webb hé lộ.