Ai Cập khai quật ba ngôi mộ cổ hơn 3.000 năm tuổi

Ba ngôi mộ cổ hơn 3.000 năm tuổi vừa được khai quật tại Luxor, Ai Cập, hé lộ thêm những mảnh ghép về thế giới tâm linh và quyền lực của Ai Cập cổ đại.

Các lăng mộ thuộc về các chính khách và quan lại quyền lực dưới thời Vương quốc Mới (1539 – 1077 TCN). Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Các lăng mộ thuộc về các chính khách và quan lại quyền lực dưới thời Vương quốc Mới (1539 – 1077 TCN). Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Thành phố Luxor, Ai Cập một lần nữa khiến giới khoa học kinh ngạc khi ba ngôi mộ có niên đại hơn 3.000 năm vừa được khai quật tại nghĩa trang cổ Dra' Abu El Naga.

Đây là khu phức hợp chôn cất phi hoàng gia quan trọng nằm ở bờ tây sông Nile, từng là nơi yên nghỉ của nhiều tầng lớp tinh hoa Ai Cập cổ đại.

Theo thông báo từ Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, ba lăng mộ thuộc về các chính khách và quan lại quyền lực dưới thời Vương quốc Mới (1539 – 1077 TCN).

Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Sherif Fathy cho biết cuộc khai quật do đội ngũ người Ai Cập thực hiện và đánh giá đây là một phát hiện “có ý nghĩa” đối với hồ sơ khảo cổ của đất nước.

Những dòng chữ khắc bên trong đã giúp nhóm khai quật xác định được danh tính và chức vụ của từng chủ mộ, ông Mohamed Ismail Khaled, Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao, cho biết.

Những hiện vật tìm thấy bên trong lăng mộ. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Những hiện vật tìm thấy bên trong lăng mộ. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Trong ba ngôi mộ mới phát hiện, đáng chú ý là mộ của Amun-em-Ipet, một viên chức dưới triều đại Ramesside (thường thuộc các vương triều thứ 19 và 20), người từng phục vụ trong đền thờ hoặc điền trang của thần Amun – vị thần đứng đầu trong hệ thống tín ngưỡng Ai Cập cổ.

Dù phần lớn các bức tranh tường trong mộ đã bị phá hủy, một số hình ảnh vẫn còn nguyên vẹn, khắc họa những người khiêng lễ vật và cảnh tiệc tùng – phần nào phản ánh đời sống tín ngưỡng thời bấy giờ.

Ngôi mộ thứ hai thuộc về Baki, một quản lý kho thóc dưới triều đại thứ 18 – thời kỳ phát triển hưng thịnh của Ai Cập cổ đại.

Theo mô tả của ông Abdel Ghaffar Wagdy, Tổng giám đốc Cổ vật Luxor, người đứng đầu đoàn khai quật, lăng mộ này có cấu trúc phức tạp với sân dài giống như hành lang, dẫn đến một phòng chôn cất chưa hoàn thiện nằm ở cuối một loạt hành lang nối tiếp.

Ngôi mộ thứ ba thuộc về Es, một nhân vật giữ nhiều chức vụ quan trọng: Giám sát viên tại Đền Amun, Tthị trưởng các ốc đảo phía bắc và người ghi chép.

Lăng mộ của ông bao gồm sân nhỏ có giếng, tiếp nối bằng hành lang ngang rồi kéo dài tới một hành lang chưa hoàn thiện.

Những hiện vật tìm thấy bên trong lăng mộ. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Những hiện vật tìm thấy bên trong lăng mộ. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Những phát hiện mới đã nối dài chuỗi khám phá khảo cổ nổi bật tại Luxor trong năm 2025. Trước đó vào tháng 2, một đoàn khảo cổ chung giữa Ai Cập và Anh đã khai quật được lăng mộ của Vua Thutmose II – một phát hiện mà các nhà chức trách khi ấy mô tả là “đáng chú ý”.

Việc liên tục phát hiện các lăng mộ cổ không chỉ làm dày thêm kho tàng khảo cổ của Ai Cập, mà còn góp phần làm sáng tỏ đời sống chính trị, xã hội, tôn giáo của nền văn minh từng hưng thịnh bên dòng Nile suốt hàng thiên niên kỷ.

Theo CNN

N.THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/ai-cap-khai-quat-ba-ngoi-mo-co-hon-3000-nam-tuoi-137718.html
Zalo