Hơn 10 năm thi hành Luật Công Đoàn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập
Sau hơn 10 năm thi hành Luật Công Đoàn đã bộc lộ hạn chế, bất cập, việc sửa đổi Luật tại thời điểm này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn.
Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, những năm qua do lực lượng đoàn viên phát triển nhanh và mạnh nên Luật Công đoàn 2012 không còn đáp ứng được thực tế. Theo đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhiều quy định trong luật không còn phù hợp với Hiến pháp 2013 và một số Luật liên quan. "Ví dụ như Luật việc làm, Luật công chức, viên chức, Luật doanh nghiệp, những luật này có những quy định không thống nhất với Luật Công đoàn 2012. Cho nên, việc sửa đổi Luật công đoàn cũng là điều được đặt ra. Cũng cần nhìn nhận lại kinh nghiệm quốc tế, thông lệ quốc tế để có những quy định vừa chặt chẽ, vừa cởi mở hơn cho sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn."
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tiếp tục xác định "quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động" nhưng đã được sửa đổi theo hướng mở rộng cho những người lao động “làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam". Tuy nhiên, cần tính toán mô hình sao cho phù hợp với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân. Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị "Phải có những đổi mới, phù hợp, bởi vì các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điều này phải được tính toán xem xét. Công đoàn tồn tại được, hoạt động được thì phải tính toán mô hình tổ chức ra sao? Chọn được người lãnh đạo chỉ đạo như thế nào cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ đề xuất cho phù hợp trong tình hình hiện nay".
Luật Công đoàn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số quy định về tài chính công đoàn còn chung chung, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch. Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho rằng "đây là điều nên làm để công đoàn viên thấy được sự minh bạch trong hoạt động tài chính của công đoàn."
Bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng không thể bỏ kinh phí công đoàn 2%, mà làm sao phải sử dụng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tổ chức công đoàn, người lao động. Tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kiến nghị nên có sự cân nhắc con số này đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. "Phải nói rằng, 2% kinh phí hoạt động hỗ trợ cho công đoàn, nếu lĩnh vực của Nhà nước thì rất thuận lợi dễ dàng. Tuy nhiên, có liên quan đến doanh nghiệp, cho nên tôi nghĩ phải cần phải cân nhắc đối tượng này làm sao cho rành mạch, rõ ràng và tạo sự đồng thuận chung của doanh nghiệp."
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kỳ vọng Luật công đoàn (sửa đổi) đáp ứng được những thay đổi của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cũng như mong đợi của người lao động đối với tổ chức công đoàn. Đại biểu khẳng định "Khi tạo được hành lang pháp lý vững chắc thì tổ chức công đoàn sẽ ngày càng lớn mạnh và sẽ thu hút được nhiều người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn Việt Nam hơn nữa".
Làm thế nào để tổ chức công đoàn có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động trong tình hình mới... Đây là yêu cầu cấp thiết đối với tổ chức công đoàn hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể không đóng BHXH đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động. Chính vì thế, dự thảo luật Công đoàn (sửa đổi) nhận được sự kỳ vọng và mong đợi rất lớn từ phía công đoàn viên và người lao động.