Hơn 1 triệu tỉ đồng đổ vào lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM

Trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,83 triệu tỉ đồng, thì có hơn 1 triệu tỉ đồng dành cho lĩnh vực bất động sản, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Đến cuối tháng 11-2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,83 triệu tỉ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2023 và tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Thông thường, các tháng cuối năm khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, do tổng cầu tăng, các hoạt động kinh tế phục vụ dịp lễ, tết thường có nhu cầu vốn ngắn hạn, vòng quay nhanh và hiệu quả. Vì vậy, nhu cầu vốn tín dụng cũng tăng nhanh và sử dụng vốn hiệu quả hơn. Tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng tích cực.

Theo đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và tháng 11-2024. Trong đó tháng 11-2024 tăng 3,14%. Tỉ giá ổn định và nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong những tháng cuối năm trên địa bàn thành phố.

Tín dụng VND vẫn chiếm tỉ trọng cao (chiếm 96,1%) trong tổng dư nợ tín dụng và tăng trưởng cao hơn mức tăng chung trên địa bàn, tăng 8,6% so với cuối năm và 13,4% so với cùng kỳ.

 Cho vay bất động sản trên địa bàn TP.HCM tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa

Cho vay bất động sản trên địa bàn TP.HCM tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Lệnh, xét riêng về tín dụng bất động sản, đến cuối tháng 10 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này trên địa bàn thành phố đạt 1,05 triệu tỉ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm và chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Đáng chú ý, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là tín dụng trung dài hạn (chiếm khoảng 96%) và tăng trưởng phù hợp theo diễn biến thị trường và cơ cấu sản phẩm của thị trường. Những năm gần đây, tín dụng bất động sản cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ như cho vay phát triển hạ tầng KCN-KCX ( Khu công nghiệp- Khu chế xuất), cao ốc văn phòng, bất động sản du lịch dịch vụ có xu hướng tăng trưởng tốt trong 2 năm qua.

Trong đó, dư nợ cho vay KCX-KCN (đến cuối tháng 10-2024) đạt 52.000 tỉ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 28,7% so với cuối năm 2023. Đối với cho vay cao ốc văn phòng đạt gần 25.000 tỉ đồng, chiếm 2,4% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 18,5% so với cuối năm. Cho vay nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đạt trên 26.000 tỉ đồng, chiếm 2,48% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 30% so với cuối năm 2023.

Mặc dù tỉ trọng thấp, song sự tăng trưởng của hoạt động tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại du lịch và dịch vụ phản ánh những chuyển biến tích cực từ các hoạt động kinh tế này. Đồng thời, cũng là cơ sở nền tảng để thu hút đầu tư kinh doanh đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, khi hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển và các hoạt động du lịch, dịch vụ phát triển.

“Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng (hiện nay tăng lên 145.000 tỉ đồng) để cho vay phát triển nhà ở xã hội, đến nay trên địa bàn có 6 dự án được công bố. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tham gia gói này đã cho vay 3 dự án, với tổng dư nợ khoảng 729 tỉ đồng.

Trong đó, cho vay từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng là 170,1 tỉ đồng (hạn mức cho vay là 680 tỉ đồng) cho dự án xây nhà ở cho công nhân thuê tại cụm công nghiệp thuộc TP. Thủ Đức. Hai dự án còn lại vay vốn thông thường tại các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp, vì vậy không chuyển sang vay gói 120.000 tỉ đồng”, ông Lệnh cho biết thêm.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/hon-1-trieu-ti-dong-do-vao-linh-vuc-bat-dong-san-tai-tphcm-post825998.html
Zalo