Hồi ức người lính trinh sát: Từ chiến trường khói lửa đến những ngày hòa bình
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi về thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1950) ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) – nơi câu chuyện về hai thế hệ cha con cùng ra trận, máu thịt gửi lại chiến trường, để được thấy tinh thần yêu nước và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc của những người lính Bộ đội Cụ Hồ khi xưa.
Những năm tháng trong chiến tranh
Năm 1969, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Trường gác lại việc học, rời quê hương lên đường nhập ngũ. Quyết định ấy được tiếp nối từ cha ông, người đã lên đường từ năm 1966 và mãi nằm lại nơi chiến trường năm 1969.

Ông Nguyễn Xuân Trường và vợ luôn là tấm gương sáng cho người dân trên địa bàn và con cháu trong gia đình.
Nhập ngũ vào Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 338, sau những tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, ông Trường hành quân vào Nam, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên ác liệt.
Từ năm 1970 đến đầu 1972, ông tham gia các trận đánh ở Tây Nguyên rồi hành quân thần tốc xuống miền Đông Nam Bộ, tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ vào tháng 3-1972. Lúc đó, trung đoàn đánh chiến đoàn 49 của địch ở Xa Mát - Thiện Ngôn (Tây Ninh). Ông chia sẻ đầy tự hào: “Thời điểm ấy, trung đoàn tôi đã giải phóng toàn bộ và tiêu diệt căn cứ Xa Mát, Thiện Ngôn, bắt sống được 58 xe quân sự trong đó có cả xe tăng”.
Sau đó, ông cùng trung đoàn đánh dọc biên giới xuống Nam Bộ, vùng 4 Kiến Tường, Mỹ Tho, Long An. Dẫu nhiều lần bị thương, trong đó có một lần bị bom nổ khi đang ở đài quan sát năm 1972 khiến ông phải nằm điều trị nhiều tháng trời, tuy nhiên sau khi hồi phục ông đã trở lại đội hình, cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu.
Đầu năm 1973, đơn vị cắm cờ trên đất Gò Công. Đến năm 1974, ông cùng đồng đội tiếp tục đánh địch và trú ở một số vùng kênh, những ngày tháng ấy vất vả nhưng đáng nhớ: “Ở dưới đầm lầy lắm, còn đi đánh nhau thì ở đấy không có khái niệm ba lô mà gọi là cái bồng, tất cả quần áo, mỗi người chuẩn bị 1 cái phao bơi dán 1 túi nilon, rồi trong quần áo thì cũng có 1 túi phao bơi bỏ quần áo để có thể bơi, đi lại qua sông bình thường mà không bị ướt”.

Những huân huy chương là minh chứng rõ nhất cho những cống hiến của ông Trường với Tổ quốc.
Ông Trường vẫn nhớ như in những ngày nằm vùng ở đất Gò Công, Tiền Giang – nơi mùi thơm của cá rán cũng có thể tố cáo vị trí với quân địch. Để tồn tại, những người lính trinh sát như ông phải nằm im quan sát, ho không dám ho, nấu nướng cũng phải tiết chế, sống trong sự cưu mang thầm lặng mà thắm tình đồng bào của nhân dân vùng giải phóng.
Những ngày tháng ấy, người lính trinh sát không trực tiếp xung phong đánh bốt mà làm công việc điều nghiên bí mật, bò sát hàng rào, kiểm tra bốt có bao nhiêu hàng rào, lô cốt, nằm ở vị trí nào, sau đó về báo cáo để đơn vị lên phương án đánh địch, dẫn đường cho bộ đội đánh chiếm mục tiêu. Đó là những nhiệm vụ thầm lặng nhưng đầy nguy hiểm, nơi mỗi bước đi đều rình rập cái chết từ mìn, từ lựu đạn đã được cài đặt.
Đến tháng 3-1975, trung đoàn ông chia thành hai: Một đánh chặn địch ở Ngã 6 (Cái Bè, Tiền Giang), một vượt sình lầy tiến về Sài Gòn. Sau khi giải quyết xong địch ở Ngã 6, cả trung đoàn được tập hợp lại đi về hướng Chợ Gạo để đi qua Long An, vừa đi vừa tiếp tục đánh từ Tân Trụ, qua sông Vàm Cỏ rồi ở Cần Đước và Cần Giuộc.
Đến tối ngày 29-4, đại đội trinh sát của ông được biệt động dẫn đường để tiến đánh vào Sài Gòn. Đơn vị của ông đánh từ Tân Trụ của Long An, Cần Đước, Cần Giuộc, đánh lên đến cầu Nhị Thiên Đường rồi đánh qua đến chân cầu Chữ Y. Đánh rền rã, dồn dập như vậy thì đến hôm 30-4, đơn vị của ông đánh đến được Tổng Nha Cảnh sát.
Nhớ lại ngày 30-4 lịch sử năm ấy, ông cho hay, thời đó, thông tin liên lạc chưa thuận tiện, các ông không nắm rõ được tình hình, cứ chiến đấu, đánh địch dọc ven đường. Khi đại đội của ông đến nơi, Tổng Nha Cảnh sát đã đầy người, các ông đi theo đến Dinh Độc Lập. Lúc đấy mới biết quân ta đã chiến thắng, khắp Dinh Độc Lập cờ giải phóng tung bay phấp phới.
Trải qua mấy năm chiến đấu, có những kỷ niệm mãi không thể quên đối với người lính già. “Tôi nhớ nhất một lần gặp nguy hiểm ở khu vực ngã ba Ôn Bích, có một cán bộ bị gài lựu đạn trong hầm hy sinh. Lúc ấy cả đơn vị phải bắn áp chế để cứu người ra. Chi khu Tân Bình, huyện Cai Lậy bị đánh rất dữ, tàu lên rất đông. Khi bị vây, có những lúc ba ngày không kiếm được gạo, phải ăn chuối luộc cầm hơi đến nỗi xây xẩm hết cả mặt mày”- ông Trường chia sẻ.
Hòa bình về và cuộc sống sau độc lập
Sau ngày giải phóng, ông cùng đơn vị ở lại Sài Gòn 15 ngày rồi quay về Gò Công, cũng trong năm đó, ông cưới vợ là bà Cù Thị Ninh (1948). Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều động quản cải tạo tù ở Năm Căn, Cà Mau. Đến năm 1977, khi thư từ liên lạc thuận lợi hơn, ông mới biết bố mình - liệt sĩ Nguyễn Đình Đán đã hy sinh từ năm 1969 – trùng thời điểm ông nhập ngũ. Từ đó, ông cùng vợ quyết định quay về miền Bắc.
Từ năm 1977, ông công tác tại UBND huyện Đan Phượng, lần lượt giữ nhiều chức vụ: Chánh Thanh tra (1979), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng phòng Tư pháp cho đến khi nghỉ hưu năm 2010. Dù công việc nhiều, ông vẫn giữ vững phẩm chất của người lính: Trung thực, liêm khiết, cống hiến hết mình vì nhân dân.
Dù cuộc sống có nhiều vất vả, khó khăn, ông và vợ cùng động viên nhau cố gắng làm tấm gương tốt cho con cháu noi theo. Ngoài ra, trong những sự kiện, kỷ niệm của cựu chiến binh hay của đất nước, hai ông bà đều cùng nhau tham gia, dù ở Bắc, Trung hay Nam để được thấy hình hài đẹp đẽ của Tổ quốc, được ngồi ôn lại kỷ niệm với những đồng đội năm xưa.
Không chỉ vậy, đau đáu nỗi buồn khi nhiều đồng đội ngã xuống nhưng chưa tìm thấy hài cốt, ông trở thành thành viên tích cực trong các hội nhóm tìm kiếm mộ liệt sĩ.
Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trường là hồi ức về những năm tháng oanh liệt, về sự hy sinh, ý chí kiên cường, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.