Cuốn sổ bìa xanh

Một ngày đầu tháng Tư, bà Hằng nhận được bưu kiện nhỏ chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh. Thấy bà có vẻ băn khoăn vì gần như không quen ai ở thành phố phương Nam ấy, quen tới mức có thể gửi quà tặng hay vật gì đó lại càng không, cậu bưu tá động viên: Bác cứ nhận đi ạ. Khi tiếp nhận dịch vụ, bên cháu có trách nhiệm kiểm tra rất kỹ rồi ạ.

Miệng nói tay làm, cậu thanh niên nhanh nhẹn giúp bà Hằng mở gói bưu kiện. Ngay lập tức, cảm xúc như vỡ òa, trong tay bà là cuốn sổ có bìa nilon màu xanh, cuốn sổ mà hơn 50 năm trước, cô nữ sinh lớp 10 đã trao tặng người bạn trai của mình trước ngày anh lên đường nhập ngũ.

***

Đó là những ngày đầu năm 1972. Tin tức nóng bỏng từ chiến trường dội về làm xao động không khí vốn yên bình của thị xã xinh xắn bên dòng sông Thương. Dường như ta đang chuẩn bị đánh lớn, tạo đà tiến công trên chiến trường miền Nam, cũng là giành thế chủ động trên bàn đàm phán tại Paris. Với lứa thanh niên đang học năm cuối cấp III, đây là cơ hội có một không hai để góp phần vào chiến thắng dường như đang tới rất gần của đất nước. Nhiều bạn trai trong lớp 10G không thể ngồi yên, đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trong đó có lớp trưởng Dũng.

 Minh họa: Hiền Nhân.

Minh họa: Hiền Nhân.

Hằng, bạn gái thân của Dũng là người đầu tiên trong lớp được cậu chia sẻ quyết định này. Đó là hôm hai đứa đèo nhau về sau buổi lao động nạo vét lại hầm trú ẩn ở trường. Sau mấy năm ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 18 trở ra, những Thần sấm, Con ma của không lực Hoa Kỳ lại gầm rú trên bầu trời miền Bắc. Lúc chia tay dưới rặng tre bên bờ sông Thương, Dũng bảo:

- Tớ đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chắc sẽ sớm lên đường…

- Ơ, thế cậu đi thì ai làm lớp trưởng?

Dũng phì cười trước câu hỏi của cô bạn. Câu hỏi hơi buồn cười nhưng nói lên một thực tế là trong suy nghĩ của Hằng và hầu hết bạn bè trong lớp, việc Dũng làm lớp trưởng như là chuyện đương nhiên. Từ năm lớp 8 đến nay, tập thể lớp G luôn tín nhiệm bầu Dũng làm lớp trưởng, vì cậu học giỏi, thân thiện lại xốc vác với công việc của lớp, của trường.

Mà cũng không hiểu vì sao, hai đứa lại rất thân nhau cho dù hoàn cảnh gia đình của đôi bạn rất khác nhau. Nhà Hằng khá giả, bố làm lãnh đạo một vụ quan trọng ở Bộ Nông nghiệp, mẹ Hằng là giáo viên. Còn bố mẹ Dũng đều là công nhân đường sắt. Bố lái tàu, mẹ làm nhân viên bán vé ở Ga thị xã. Nhà Hằng chỉ có hai anh em, Hằng là con út nên được cưng chiều. Trong khi đó, Dũng là anh cả của 4 đứa em, 3 trai 1 gái. Bố mẹ đều là công nhân, điều kiện thời bao cấp khó khăn nên ngoài giờ đến lớp, Dũng làm đủ việc để giúp đỡ bố mẹ. Từ hồi còn học cấp II, cứ nghỉ hè là Dũng làm bình nước vối nóng ra ga đón các chuyến tàu xuôi ngược. Tối về lại băm bèo, nấu cám chăm lợn. Cứ như thế, Dũng tự lo được tiền mua sách vở, đồ dùng học tập của mình và các em. Điều khiến bạn bè cùng lớp, trong đó có Hằng, quý mến lớp trưởng của mình là tuy vất vả nhưng Dũng học rất giỏi, đặc biệt là môn Văn.

Những ngày đầu Dũng nhập ngũ, Hằng như vẫn thấy hình ảnh cậu bạn trai dáng người mảnh khảnh, ngồi chăm chú bên tủ sách trong phòng khách nhà mình. Mà lúc đầu, Dũng cũng vì bị cuốn hút bởi tủ sách ấy mà vượt qua được sự ngại ngần về khoảng cách hoàn cảnh giữa hai đứa. Ấy là sau này Dũng thú nhận như thế trong những lá thư gửi về từ chiến trường Quảng Trị xa xôi. Dễ gần, học giỏi, hát hay…, Dũng được nhiều bạn gái trong lớp quý mến. Cả lớp, cả trường ai cũng nhớ giọng hát quan họ của Dũng trong những buổi liên hoan, những đêm hội diễn. Giờ thì tất cả đã là kỷ niệm…

Việc nhận lại được kỷ vật của người bạn thân thiết năm nào khiến bà Hằng vô cùng xúc động. Với bà, kỷ vật đó gợi lại bao kỷ niệm tuổi học trò cùng những rung động tình cảm đầu đời. Hôm đó là một ngày trước khi Dũng nhập ngũ. Muốn có chút thời gian riêng tư, Hằng chọn đúng giờ các gia đình quây quần ăn bữa cơm chiều, sẽ vắng khách tới thăm. Quả đúng như vậy, Hằng đến lúc Dũng đang ăn bữa cơm chia tay cùng cha mẹ và các em. Hằng chỉ kịp dúi cho Dũng cuốn sổ có bìa nilon màu xanh da trời cùng ít tem thư, nắm nhẹ tay cậu rồi ra về. Chính lời đề tặng thể hiện mong ước của những người thân yêu khi các chàng trai lên đường vào chỗ mũi tên, hòn đạn: “Dũng lên đường mạnh khỏe nhé. Nhớ viết thư cho Hằng. Địa chỉ…”.

Ở lứa tuổi 18, nếu không có chiến tranh, ngưỡng cửa cuộc đời với giảng đường đại học, cuộc sống sôi động trên công trường, nhà máy… và cả những tình cảm đầu đời đang mở ra với Dũng cùng đám bạn đồng trang lứa. Nhưng đó lại là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Ngay từ những ngày đầu năm 1972, hàng vạn thanh niên miền Bắc, trong đó có những cậu học sinh lớp 10 mới chỉ vừa hết học kỳ 1 của năm học cuối cùng phổ thông đã lên đường nhập ngũ. Vì yêu cầu của chiến trường, các địa phương phải “vay” quân, nghĩa là động viên lên đường nhập ngũ cả lớp thanh niên đáng ra sẽ có cơ hội hoàn tất chương trình phổ thông hay ít nhất họ cũng được cùng gia đình, người thân ăn xong cái Tết con chuột năm ấy.

***

Dũng tạm biệt tập thể 10G, tạm biệt mái trường cấp III thị xã trong những ngày như thế. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, anh theo đơn vị công binh cầu phà vào tận Vĩnh Linh (Quảng Trị). Vì tình hình khẩn trương nên những chàng lính mới không được nghỉ phép trước lúc vào chiến trường như thường lệ. Hằng biết tin Dũng đi chiến trường qua dòng thư viết vội mà anh thả xuống đường khi xe đi qua thị xã trong một đêm mùa xuân, phong bì còn lấm vệt bùn đất. Những bức thư sau đó được gửi từ Vĩnh Linh. Trong thư Dũng kể cho Hằng nghe về Cửa Tùng, chỗ con sông Bến Hải đổ ra biển, nơi đơn vị anh ghép những chiếc phà trọng tải hàng chục tấn để chở tăng, pháo qua sông tiến vào giải phóng Quảng Trị.

Với tâm hồn lãng mạn của một cậu học trò giỏi văn, anh tả về bờ cát trắng mịn với những con sóng ve vuốt hiền hòa mà tịnh không nói gì đến những khó khăn nguy hiểm mà anh cùng đồng đội đang phải đương đầu. Một điều khiến Hằng cứ băn khoăn, thậm chí có ý nghĩ trách móc người bạn của mình, là trong các lá thư, anh không chính thức bày tỏ tình cảm với cô, mặc dù cô đã đi trước một bước hôm chia tay. Thậm chí cô còn đặt câu hỏi: Hay Dũng không có tình cảm với mình như mình ngộ nhận?

Rồi những lá thư từ chiến trường cứ thưa dần. Hằng được đi du học ở một nước thuộc Liên bang Xô viết. Trong những ngày sống và học tập trên đất nước bạn, trong cô luôn trăn trở một nỗi niềm, giá như không có chiến tranh, những giảng đường thênh thang này phải có chỗ của Dũng cùng bao chàng trai, cô gái ưu tú đang cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Mãi tới khi tốt nghiệp về nước vào năm 1978, Hằng mới biết tin Dũng đã hy sinh. Rồi cuộc sống cứ thế trôi và cho đến những ngày này, khi hòa bình đã nửa thế kỷ, bà Hằng làm vợ, làm mẹ, rồi làm bà… song đôi lúc câu hỏi xưa vẫn cứ trăn trở: Liệu Dũng có tình cảm với mình không, tại sao cậu ấy im lặng?

***

Gửi kèm cuốn sổ bìa xanh là một lá thư. Người viết thư, nay cũng đã ở tuổi 70 kể rằng, ông quê ở thị xã Bắc Ninh, gặp Dũng vào buổi sớm ngày 30/4/1975 bên dòng sông Cát Lái, cách Sài Gòn non 30 cây số, khi đơn vị ông phối hợp với lữ đoàn công binh cầu phà mở đường cho đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Khoảng 7 giờ 30 phút, hai anh em còn chia nhau điếu thuốc sau màn nhận đồng hương Hà Bắc. Dũng đưa vội cho cuốn sổ để ông ghi địa chỉ nhà mình, hẹn sau chiến thắng sẽ tìm về quê nhau. Giữa lúc ấy, Dũng nhận được lệnh chỉ huy chiếc xe lội nước PAP tiếp nhận toán thủy quân lục chiến đầu hàng. Cũng chỉ trong giây phút, Dũng đã ngã xuống vì một loạt đạn AR15 của một nhóm tàn quân. Sau đòn đánh áp đảo tiêu diệt nhóm tàn quân ngoan cố, ông cùng đơn vị phát triển hướng tấn công vào nội đô Sài Gòn, cuốn sổ của Dũng vẫn nằm trong túi cóc của ông…

Vật đổi sao dời. Bao nhiêu khó khăn, vất vả thời hậu chiến dồn lên vai người lính trở về từ mặt trận. Bản thân ông cùng gia đình cũng phải tìm kế sinh nhai ở mảnh đất chiến trường xưa. Cuộc sống với nỗi lo cơm áo cứ cuốn trôi những kỷ niệm, kể cả những điều tưởng như không thể quên, như cuộc hội ngộ buổi sáng 30 tháng Tư năm ấy.

Mãi gần đây, khi lục tìm những kỷ vật, ông mới thấy lại cuốn sổ năm nào. Nhờ dòng đề tặng của cô Hằng năm xưa: “Dũng lên đường mạnh khỏe nhé. Nhớ viết thư cho Hằng. Địa chỉ…” và cũng tốn khá nhiều công sức, ông mới tìm được địa chỉ hiện tại của bà Hằng. Ông gửi lại cuốn sổ cho bà, xem đó như một cách chuộc lỗi vì không thực hiện lời hứa với người đồng đội, đồng hương chỉ thoáng gặp năm nào.

Điều khiến bà xúc động đến thổn thức là không như những lá thư gửi về từ chiến trường, trong cuốn sổ, Dũng thể hiện một tình cảm sâu đậm với người bạn gái mà cậu thầm yêu trộm nhớ, cả mong ước hai đứa sẽ được bên nhau ngày đất nước hòa bình. Sẽ có lần Dũng đưa Hằng về Thổ Hà, quê ngoại của cậu, thăm mái đình cổ và nghe câu quan họ…

Dù coi cuốn sổ là kỷ vật vô giá, sau khi đã chia sẻ với những người em của Dũng, bà Hằng vẫn quyết định tặng cho phòng truyền thống ngôi trường cấp III - nơi đôi bạn cùng theo học - cuốn sổ bìa xanh, sau khi đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng…

Bắc Giang - Hà Nội, tháng 4/2025.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cuon-so-bia-xanh-postid416971.bbg
Zalo