Hội Thuế Nhật Bản muốn học tập kinh nghiệm áp dụng hóa đơn điện tử tại Việt Nam
Tại Tọa đàm Chính sách thuế, quản lý thuế Việt Nam - Nhật Bản, Hội Thuế và Kế toán công Tokyo, Nhật Bản mong muốn được tham khảo kinh nghiệm quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử của ngành Thuế Việt Nam để áp dụng tại Nhật Bản.
Chiều 19/12, Tổng cục Thuế phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) và Hội Thuế và Kế toán công Tokyo, Nhật Bản tổ chức Tọa đàm Chính sách thuế, quản lý thuế Việt Nam - Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Quốc hội vừa thông qua một loạt luật như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế... Ngành Thuế vừa tổ chức tổng kết công tác năm 2024, hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Phó tổng cục trưởng khẳng định đây là thời điểm phù hợp để Tổng cục Thuế chia sẻ về những điểm mới trong chương trình thuế Việt Nam thời gian vừa qua và kế hoahcj cải cách thuế trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong lắng nghe ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản thông qua Hội Thuế và Kế toán công Tokyo để đóng góp cho Việt Nam trong việc cải cách thuế thời gian tới.
Chủ tịch Hội Thuế và Kế toán công Tokyo Adachi Shinichi cảm ơn lãnh đạo Tổng cục Thuế, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đã tạo điều kiện, giúp đỡ và tổ chức Tọa đàm hôm nay. Hội Thuế và Kế toán công Tokyo mong muốn tìm hiểu về chính sách thuế, quản lý thuế bao gồm cả triển khai hóa đơn điện tử, công tác thanh tra và kiểm tra thuế, xu hướng cải cách thuế của Việt Nam nhằm giúp khách hàng Nhật Bản của Hội tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh và tuân thủ pháp luật thuế tại Việt Nam.
Đáng chú ý, theo ông Adachi Shinichi tại Nhật Bản hiện chưa sử dụng hóa đơn điện tử. Đoàn công tác mong muốn được cơ quan thuế Việt Nam chia sẻ quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử để tham khảo, áp dụng tại Nhật Bản.
Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA đã chia sẻ về chính sách thuế, quản lý thuế và hóa đơn của Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Việt Nam hiện có các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Về hóa đơn điện tử, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Luật Quản lý Thuế số 38/2019 đã quy định về hóa đơn điện tử. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử. Thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về hóa đơn điện tử như ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế… Từ ngày 1/7/2022 tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có sử dụng hóa đơn bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Chia sẻ thêm về hóa đơn điện tử, Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, tại Việt Nam hiện nay 100% doanh nghiệp sử dụng Hóa đơn điện tử với số lượng hóa đơn điện tử đã phát hành trên 11,48 tỷ hóa đơn điện tử. Việc sử dụng hóa đơn điện tử đã góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện nay Việt Nam thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 500 tỷ USD. Những năm qua, Việt Nam đã thực hiện ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, mức thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 12,5% thấp hơn mức thuế suất tiêu chuẩn đang thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Minh, Việt Nam tham gia tổ chức OECD nên sẽ thực hiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu áp dụng từ năm 2024.
“Sẽ có khoảng 200 tập đoàn đa quốc gia có hoạt động tại Việt Nam chịu ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12 để trình Chính phủ”, ông Minh nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, hai bên cũng đã chia sẻ, trao đổi về các chính sách thuế; quản lý và hoạt động của đại lý thuế, cơ quan thuế tại Việt Nam và Nhật Bản.