'Hơi thở' của Nghị quyết 68: Công bằng với kinh tế tư nhân
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định 'hơi thở' trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân chính là việc thống nhất nhận thức coi kinh tế tư nhân về lâu dài là trụ cột quan trọng nhất cho tăng trưởng, xóa bỏ triệt để định kiến về kinh tế tư nhân, bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị xác định trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất và cần phải được bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Ảnh minh họa.
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết không chỉ chỉ rõ các nguyên nhân kìm hãm khiến cho khu vực kinh tế tư nhân chưa thể bứt phá cả về quy mô và năng lực cạnh tranh, mà còn đề ra những giải pháp căn cơ; thể hiện nhiều thay đổi mang tính cải cách sâu sắc trong xây dựng thể chế quản lý kinh tế đất nước. Từ đó, phấn đấu đạt tới các chỉ tiêu kinh tế được định lượng cụ thể:
Phấn đấu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm…
Nhà nước “kiến tạo và phục vụ”, mở ra chương mới cho kinh tế tư nhân
Tại một hội thảo hồi tháng 3/2025, TS. Cấn Văn Lực nhận định sự nhất quán về quan điểm, nhận thức vai trò và vị trí của khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế sẽ là tư duy “đột phá”, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Quan điểm và nhận thức như vậy đã được khẳng định mạnh mẽ tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ngày 4/5/2025. Nghị quyết xác định kinh tế tư nhân - khu vực đang đóng góp khoảng 50% GDP, đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động - là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, là “lực lượng tiên phong”, giữ vai trò nòng cốt để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc “xóa bỏ triệt để định kiến về kinh tế tư nhân”; “đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước”, “tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân”; “bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác…”
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định “hơi thở” của Nghị quyết 68 chính là thống nhất nhận thức coi kinh tế tư nhân về lâu dài là trụ cột quan trọng nhất cho tăng trưởng. Mà trong đó, đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu tăng trưởng về mặt số lượng các doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu đạt 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 và và ít nhất 3 triệu doanh nghiệp đến năm 2045.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Baodautu.
“Số lượng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá ít. Tôi hình dung thế này: có tỉnh của Trung Quốc với dân số chỉ xấp xỉ quá bán dân số nước ta đã có khoảng 6 triệu doanh nghiệp tư nhân. Rất nhiều hộ kinh doanh không chịu trở thành doanh nghiệp, bởi vì họ e ngại chính sách quản lý của Nhà nước với doanh nghiệp, từ thuế đến hóa đơn, chứng từ…
Kinh tế ngầm của Việt Nam rất lớn, nhưng đã “ngầm” thì làm sao cạnh tranh ra quốc tế được? Không cạnh tranh được, thậm chí thua ngay trên sân nhà. Vậy nên phải đưa nó ra ánh sáng, phải tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chịu lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.
Một chỉ tiêu quan trọng và rất có ý nghĩa khác mà Nghị quyết đặt ra, là có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá đây là “ý chí mới mẻ” trong tư duy phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân so với tư duy có vẻ “e dè” về vấn đề này lâu nay.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác được đặt ra tại Nghị quyết 68, cùng với phương hướng và yêu cầu phải có hành động, chính sách hỗ trợ cụ thể cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, một trong những điểm tích cực nhất mà ông đánh giá tại Nghị quyết này là định hướng mở ra toàn bộ nền tảng pháp lý cần thiết để hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển một cách chính thống, chuyên nghiệp và cạnh tranh, thể hiện qua những giải pháp căn cơ, thiết thực và rất “trúng”, phản ánh sự chuyển dịch từ tư duy Nhà nước “quản lý” sang “kiến tạo và phục vụ”.
Thực tế, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết 68 đặt ra để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân là “Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân”, trong đó nhấn mạnh "Nhà nước kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường; xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành, liêm chính phục vụ, kiến tạo phát triển".
Và sự chuyển dịch từ tư duy “quản lý” sang “kiến tạo và phục vụ” không dừng lại ở ngôn từ chính trị, mà được cụ thể hóa rõ ràng thành những chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; chẳng hạn trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo…
Cùng đó là việc hoàn thiện cơ chế hậu kiểm để khuyến khích sáng tạo và giảm can thiệp hành chính; thực hiện nguyên tắc “kinh doanh mọi thứ mà pháp luật không cấm”, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Đặc biệt, "ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại”, “không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp”.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc không hình sự hóa các vấn đề kinh tế và cho phép sử dụng các biện pháp kinh tế để giải quyết vấn đề kinh tế như quan điểm của Nghị quyết 68 không chỉ tạo niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân mà xa hơn là cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây là giải pháp thiết thực để hỗ trợ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo “vườn ươm” cho các doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm phát triển lâu dài, lớn mạnh.
Ngược lại, về phía doanh nhân và doanh nghiệp, Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, trung thực, thanh liêm, trách nhiệm xã hội, mang trong mình khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng. Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Công bằng với kinh tế tư nhân, cơ chế chính sách đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
“Một điểm đặc biệt khác mà tôi đánh giá rất cao, thậm chí cao nhất trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; đồng thời khẳng định phải có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.
Các rào cản kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân đã được chỉ ra rất rõ. Và Nghị quyết thẳng thắn thừa nhận phần trách nhiệm từ phía thể chế và bộ máy quản lý: thế chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ; kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao...
Một trong những giải pháp căn cơ được đặt ra là phải bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận các nguồn lực. Nghị quyết nhấn mạnh việc "thực hiện cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguôn lực tài nguyên khác".
Trong khi nhất quán tinh thần đối xử bình đẳng với kinh tế tư nhân trong các thành phần kinh tế, Nghị quyết cũng thể hiện tinh thần coi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ là một khu vực kinh tế tư nhân đặc biệt, và với khu vực đặc biệt ấy thì Đảng và nhà nước phải có các cơ chế, chính sách đặc biệt để hỗ trợ, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế; TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Không chỉ là định hướng, Nghị quyết đã liệt kê những giải pháp cụ thể và thiết thực: bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập; chính sách hỗ trợ cho các đối tượng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương; chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…
Liên quan đến xây dựng các chuỗi liên kết doanh nghiệp, Nghị quyết khuyến khích các doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh… Xác định việc doanh nghiệp lớn chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa là một tiêu chí quan trọng để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tổng cộng, có 19 lần trong Nghị quyết nhắc đến "doanh nghiệp nhỏ và vừa" như một đối tượng cần được tập trung hỗ trợ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu thực hiện tốt các định hướng chính sách như vậy, nhất là về hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thuế hay vốn tín dụng, thì có thể kỳ vọng sẽ có những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhanh chóng trở thành những “gã khổng lồ”, nhất là các startup về công nghệ.
“Câu chuyện sẽ có 1 startup công nghệ nào đó trong vòng 10, 20 năm tới nổi lên trên thị trường, vượt qua cả FPT là hoàn toàn có thể nếu có những chính sách hỗ trợ tốt. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mà không xa là Trung Quốc, đã có nhiều doanh nghiệp như thế”, ông Nghĩa nêu ví dụ.
Vị chuyên gia kỳ vọng 20 doanh nghiệp lớn tham gia sâu sắc vào chuỗi giá trị toàn cầu như mục tiêu của Nghị quyết 68 sẽ không chỉ là những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn tên tuổi hiện nay của Việt Nam, mà còn có cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa rồi sẽ “vươn mình” trong những năm tới đây, được ươm mầm từ Nghị quyết 68 và những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực tiếp theo.
Nhìn chung, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là nền tảng cơ bản để mở ra những chính sách hỗ trợ cụ thể thúc đẩy sự phát triển cho khu vực kinh tế này, cũng như tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, sánh vai cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Nhưng để chủ trương này đi vào thực tế, cần có 2 điều kiện.
Một là giải quyết các nút thắt và mở ra một nền tảng pháp lý thực sự hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân.
Hai là phải xây dựng được một bộ máy nhà nước hữu hiệu, chuyên nghiệp, minh bạch, trong sạch, thực sự chuyển từ Nhà nước quản lý sang kiến tạo và phục vụ.
Đây là điều đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp. Minh bạch hóa, số hóa, thông minh hóa, tự động hóa, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính…
Một cuộc "cách mạng" triệt để như vậy sẽ cần đến hành động đồng bộ và hiệu quả từ tất cả các bộ ngành, địa phương chung tay với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh… và rộng hơn là toàn nền kinh tế.