'Hồi sinh' làng nghề vươn tới thị trường quốc tế
Trong nhịp sống xã hội hiện đại, không ít làng nghề thủ công đang bị mai một. Giữa bối cảnh đó, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng không chỉ là danh hiệu UNESCO mà đang tạo ra một hệ sinh thái 'hồi sinh' cho làng nghề truyền thống phát triển bền vững từ sáng tạo sản phẩm mới có giá trị văn hóa - kinh tế - du lịch.
Di sản địa chất - nền tảng cho sáng tạo
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng không chỉ là chuyện của đá về quá trình hình thành tầng địa chất hơn 500 triệu năm kiến tạo vỏ trái đất với những di sản địa chất cổ, hang động, hóa thạch, thác nước, núi đá vôi và mạch khoáng mà còn là nơi đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống lâu đời hình thành nền văn hóa giàu bản sắc, đa dang, phong phú với nhiều làng nghề truyền thống. Từ mối liên hệ đó đã trở thành chìa khóa để Ban Quản lý (BQL) CVĐC Non nước Cao Bằng nhìn nhận giá trị của làng nghề không chỉ như một “công cụ kinh tế”, mà như một phần quan trọng trong “di sản sống” của CVĐC. Làng nghề là nơi con người kể chuyện bằng đôi tay. Đó cũng là nơi chúng tôi thấy rõ sự giao thoa giữa tự nhiên và văn hóa. Chúng tôi không bảo tồn làng nghề theo kiểu trưng bày là làm cho làng phát triển, và kể tiếp câu chuyện hàng triệu năm của CVĐC Non nước Cao Bằng - Ông Vi Trần Thùy, Giám đốc BQL CVĐC Non nước Cao Bằng cho biết.
Thêm sức sáng tạo cho “bàn tay di sản” làm ra sản phẩm mới
Trên 4 tuyến CVĐC Non nước Cao Bằng, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… có làng nghề truyền thống từ lâu đời như dệt thổ cẩm, rèn nông cụ, làm hương thơm, giấy bản, in thêu in sáp ong, làm ngói máng, dệt vải chàm… tại huyện Quảng Hòa, Nguyên Bình, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang… Làng nghề tuy hình thành từ lâu đời, sản xuất phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày của bà con nhưng chưa được nâng tầm, làm mới để phục vụ nhu cầu xã hội hiện đại.
Nhận thấy tiềm năng to lớn từ các làng nghề truyền thống, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng tham vấn, phối hợp các chuyên gia trong mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESO, học tập kinh nghiệm CVĐC Toàn cầu UNESCO các nước, viện nghiên cứu văn hóa, cùng các nghệ nhân địa phương triển khai chương trình hỗ trợ sáng tạo sản phẩm làng mới từ làng nghề truyền thống trong vùng CVĐC... Theo ông Vi Trần Thùy, hỗ trợ cho bà con làng nghề làm sản phẩm mới không áp đặt thay đổi cách làm, nguyên liệu bản địa tự nhiên mà dựa trên chất liệu truyền thống, kỹ thuật bản địa, bản sắc văn hóa rồi bổ sung thêm yếu tố nâng cao chất lượng sản phẩm cũng bằng nguyên liệu tự nhiên sẵn có của địa phương, làm đa dạng sản phẩm, làm tăng tính ứng dụng trong xã hội hiện đại, thiết kế mẫu mã đẹp, câu chuyện thương hiệu, công nghệ chế tác, thị trường du lịch…
Dưới sự hướng dẫn tận tình “cầm tay chỉ việc” của BQL CVĐV Non nước Cao Bằng cho bà con các làng nghề làm mới sản phẩm hương thơm Phja Thắp, làm giấy bản xóm Dìa Trên, rèn dao thuộc xã Phúc Sen, làm ngói máng thủ công xã Tự Do (Quảng Hòa)…, bà con làm ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu khách du lịch.

Bà con làng nghề làm hương thơm Phja Thắp và giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) giới thiệu sản phẩm hương thơm và giấy bản tại hội nghị triển khai nhiệm vụ du lịch Cao Bằng năm 2025.
Chị Nông Thị Kính làm giấy bản thủ công tại xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen chia sẻ: Trước đây, tôi làm chỉ làm giấy bản khổ nhỏ, bằng bột cây truyền thống để đem bán dịp chợ phiên phục vụ bà con địa phương mua về cắt giấy tiền hàng mã. Nhưng từ năm 2023 - 2024, cán bộ BQL CVĐC Non nước Cao Bằng hướng dẫn tôi và bà con làm giấy bản bằng lá cẩm, lá ngót, lá tre, lá chàm và cải tiến khổ rộng từ 15 - 20 - 40 cm nên được khách du lịch và thợ thủ công Hà Nội rất ưa chuộng mua để vẽ tranh, vẽ thư pháp, đóng sổ tay, làm quạt, hoa giấy, bì thư… đem lại thu nhập cho gia đình gần 80 triệu đồng/năm. Mô hình của hộ chị Kính được nhân rộng ra 4 hộ và thành lập nhóm hộ mở ra không gian trải nghiệm cho du khách tham gia các công đoạn làm giấy bản thủ công từ các loại lá cây tự nhiên; có khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm để quảng bá làng nghề đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.
Bà con làm hương thơm Phja Thắp, xã Phúc Sen được hướng dẫn làm hương thơm chất lượng cao từ cây quế, làm nụ trầm đóng bao bì sản phẩm đẹp; đồng thời mở rộng khu sản xuất để cho khách du lịch đến trải nghiệm. Làng nghề làm ngói máng xã Tự Do ngoài làm ngói máng truyền thống được hướng dẫn thêm làm đồ thủ công gia dụng khác như bình hoa, bình gốm, các hình con thú… Làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) dệt thổ cẩm; thêu sáp ong dân tộc Dao Tiền huyện Nguyên Bình được hướng dẫn làm nhiều sản phẩm túi xách, khăn quàng cổ, ví, khăn trải bàn… được thị trường, khách du lịch ưa chuộng.
Câu chuyện thị trường - Từ bản làng đến quốc tế
Với sự hỗ trợ của BQL CVĐC Non nước Cao Bằng, sản phẩm mới của làng nghề truyền thống từ bản làng có cơ hội vươn xa đến thị trường quốc tế và trong nước thông qua giới thiệu tại các hội nghị quốc tế mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO trên nhiều quốc gia, châu lục. Bà Chula, nhà thiết kế thời trang Tây Ban Nha từ thổ cẩm Việt Nam cho biết: Tháng 9/2024, tôi đến Cao Bằng dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, tôi được biết đến thổ cẩm dân tộc Tày, Nùng, Dao tiền làm thủ công từ chất liệu thiên nhiên, thêu rất tinh xảo và nhiều họa tiết có tính thẩm mỹ cao. Vì vậy, tôi quan tâm nghiên cứu thổ cẩm Cao Bằng cho những bộ sưu tập thổ cẩm sắp tới của mình.
Sản phẩm giấy bản, hương thơm, dệt vải chàm, làm ngói máng thủ công… cũng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế nên tăng lượng khách nước ngoài đến trải nghiệm, khám phá làng nghề truyền thống, tham gia làm và mua sản phẩm tại các làng nghề. Chị Hoàng Thị Bày, hộ làm hương thơm xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) cho biết: Được BQL CVĐC hỗ trợ và giới thiệu về làng hương Phja Thắp tại các hội nghị, sự kiện trong nước và quốc tế nên từ năm 2024 đến nay, con trai tôi mở trang fanpage riêng giới thiệu gia đình làm sản phẩm hương nụ quế, hương thơm quế, đóng bao bì nhãn mác và giới thiệu sản phẩm văn hóa Nùng An, nhiều du khách trong nước và nước ngoài biết đến làng hương Phja Thắp. Vì thế gia đình tôi vừa làm hương thơm bán, vừa mở thêm homestay Nùng An đón du khách đến trải nghiệm làm hương thơm tại nhà. Số lượng khách nước ngoài tăng nhanh, sản phẩm hương mới dễ bán hơn, khách du lịch rất ưa chuộng.
BQL CVĐC Non nước Cao Bằng còn hỗ trợ làng nghề xây dựng chỉ dẫn địa lý, chứng nhận di sản, tem nhãn văn hóa để các sản phẩm làng nghề có “thẻ căn cước” rõ ràng, nâng cao giá trị và niềm tin của người tiêu dùng. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm làng nghề thông qua giới thiệu sản phẩm làng nghề thủ công tại điểm, đối tác dừng chân trên các tuyến CVĐC và tại trung tâm thông tin giới thiệu di sản ở các tuyến du lịch trong tỉnh. Đưa sản phẩm nghề thủ công tham gia các hội chợ sản phẩm OCOP trong nước và khu vực phía Bắc. Đưa lên sàn thương mại điện tử địa phương, bán qua mạng xã hội và ứng dụng du lịch thông minh.
Hiện nay, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng nghiên cứu, xây dựng chuỗi trải nghiệm du lịch gắn với làng nghề với nhiều hình thức phong phú cho du khách trải nghiệm như tour “Một ngày làm nghệ nhân” ở các làng nghề tại Phúc Sen, Tự Do (Quảng Hòa); lớp học vẽ địa chất cho trẻ em bằng nguyên liệu tự nhiên; triển lãm “Di sản trong tay bạn” tại các thành phố lớn; kết nối với sinh viên thiết kế để thực tập tại làng nghề… Hướng tới xây dựng “Trung tâm sáng tạo văn hóa địa phương” nơi kết nối nghệ nhân - nhà thiết kế - nhà khoa học - nhà làm phim để chuyển thể các giá trị di sản thành sản phẩm, nội dung, ứng dụng thực tế.