2 cô giúp việc ở TPHCM 'quên' lấy chồng, giúp cậu chủ khờ giữ xe mì gia truyền
Gắn bó với xe mì Tàu từ thời son trẻ, 2 cô giúp việc 'quên' luôn việc lấy chồng. Tuổi xế chiều, cả 2 quyết định ở vậy, giúp cậu chủ khờ giữ quán ăn nhỏ có tuổi đời nhiều thập kỷ.

Xe mì Tàu có bảng hiệu Tuyền Ký. Ảnh: Hà Nguyễn
"Quên" lấy chồng
Nép mình bên vệ đường Phù Đổng Thiên Vương (quận 5, TPHCM), xe mì Tuyền Ký thu hút sự tò mò của thực khách.
Trong khi hầu hết các xe mì Tàu thường được đóng bằng gỗ, trang trí tranh kính vẽ hình ảnh tuồng tích xưa, xe Tuyền Ký được đóng bằng inox sáng bóng, chữ viết mới tinh.
Dù vậy, những người xung quanh khẳng định, xe mì có tuổi đời nhiều thập kỷ. Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng với việc có 2 phụ nữ không lấy chồng, đứng phụ bán nhiều chục năm qua.
Hai người này là bà Liên (70 tuổi), bà Ling (68 tuổi, đã qua đời một năm trước).

Anh Chí cho biết, xe mì có từ thời ông nội anh. Ảnh: Hà Nguyễn
Bà Liên đến làm việc tại xe mì khi mới ngoài 20 tuổi. Lúc ấy, xe mì thuộc sở hữu của ông Hồ Tô Hà và bà vợ tên Tuyền. Ông Hà có bí quyết làm mì Tàu ngon, nên lúc nào cũng đông nghịt khách.
Khách đông, ông thuê thêm bà Ling, bà Liên. Bà Liên kể: “Xe mì của ông Hà được bố ông ấy truyền lại. Trước kia, bố ông Hà bán mì xào. Đến đời mình, ông Hà bán hủ tiếu. Khi học được bí quyết làm mì Tàu ngon, ông chuyển sang bán món này.
Hồi đó, xe mì đông khách lắm. Hằng ngày, ông bà chủ bán từ 6-12h, rồi từ 17h đến 2h hôm sau mà khách vẫn đông. Chúng tôi gắn bó với xe mì từ đó”.

Hiện xe mì được anh Chí và bà Liên đứng bán. Ảnh: Hà Nguyễn
Quán ăn đông khách khiến bà Liên, bà Ling gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài giấc ngủ ngắn để lấy lại sức, cả hai luôn cùng ông bà chủ vùi đầu chuẩn bị nguyên liệu, nấu mì, bán thức ăn cho khách.
Dành hết thời gian cho công việc, bà Liên, bà Ling quên chuyện thanh xuân vùn vụt trôi qua. Đến khi tóc hoa râm, hai bà mới giật mình nhớ mình chưa lấy chồng.
Nhưng đã muộn, cả hai đành chấp nhận chuyện không có duyên phận với ai và tìm vui trong công việc.

Anh Chí chủ yếu đứng phụ bà Liên, bưng bê thức ăn cho khách. Ảnh: Hà Nguyễn
“Âu cũng là số phận. Khi còn trẻ, tôi cũng có người theo đuổi, ngỏ lời. Nhưng phần vì công việc, phần vì duyên chưa đến nên tôi từ chối. Bà Ling cũng thế. Cả hai cứ ở vậy lo chuyện buôn bán cùng ông bà chủ.
Sau này có tuổi, không ai còn nghĩ đến chuyện chồng con nữa. Không lập gia đình nhưng tôi không buồn hay hối hận. Tôi sống chung với các em, các cháu cũng vui, không cảm thấy cô quạnh”, bà Liên nói.
Nghĩa tình
Vợ chồng ông Hà có 3 người con. Thế nhưng, khi chưa ai học được bí quyết làm mì Tàu trứ danh của gia đình thì 2 trong số họ đã qua đời.
Người con trai còn lại của ông Hà tên Hồ Thắng Chí (SN 1983) không nhanh nhẹn, tháo vát như người bình thường. Anh chậm chạp, luôn cần có sự hỗ trợ của những người xung quanh.


Món mì Tàu tại quán ngon miệng với nước lèo trong, đậm vị, sợi mì vàng, nhiều thức ăn kèm. Ảnh: Hà Nguyễn
Năm 1998, ông Hà qua đời, để lại xe mì cho vợ và 2 người giúp việc. Hơn 1 năm sau, bà Tuyền cũng theo chồng về miền cực lạc khiến xe mì Tuyền Ký đóng cửa. Bà Liên, bà Ling nghỉ việc trở về nhà.
Sau khi dùng hết số tiền bố mẹ để lại, anh Chí đi bán vé số dạo mưu sinh. Nhưng vì chậm chạp, anh bị kẻ xấu lừa, giật hết vé số.
Gắn bó với xe mì từ thời con gái, bà Ling, bà Liên xem gia đình ông bà chủ như ruột thịt. Thấy anh Chí khó khăn, cả hai xót xa, không đành lòng nên quyết định cùng anh gây dựng lại xe mì nổi tiếng một thời.

Bà Liên gắn bó với xe mì từ thời còn trẻ. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo ông Hà nhiều năm, bà Liên, bà Ling có thể nấu các món ăn của quán. Nhưng họ không học được cách làm mì của ông Hà nên đành lấy mì từ nơi khác về bán.
Hiện xe mì bán các món: Bánh xếp hoành thánh, hủ tiếu mì cá, bún mì vàng, bò kho cà ri, mì Ý… Các món ăn này có giá từ 50.000 đồng. Trong đó, mì Tàu được nhiều người ưa chuộng.
Món ăn có sợi mì vàng óng, nước lèo trong, đậm vị ăn cùng tôm, mực, bò viên, gân lợn, cật, đậu phụ nhồi thịt theo công thức riêng. Đặc biệt, quán có nước chấm từ tương, sa tế được pha chế theo công thức gia truyền với hương vị lạ miệng.

Sau khi bà Ling mất, anh Chí phải nỗ lực học cách chế biến món ăn, cùng bà Liên chăm sóc xe mì gia truyền. Ảnh: Hà Nguyễn
Bà Liên tâm sự: “Xe mì không còn đông khách như thời ông bà chủ nhưng vẫn giúp tôi và cậu Chí đắp đổi qua ngày. Điều tôi băn khoăn nhất bây giờ là sau khi tôi mất, xe mì chắc cũng không còn.
Lúc đó không biết cậu Chí sẽ trông cậy vào ai. Tôi luôn mong ước cậu ấy cưới được vợ để có người nương tựa. Được như thế, tôi mới yên lòng”.