Hội Phụ nữ được tổ chức thế nào khi trực thuộc Mặt trận?

Sau sắp xếp, cơ quan tham mưu của Hội Phụ nữ cấp tỉnh và cấp xã được tổ chức lại theo hướng hợp nhất về đầu mối với cơ quan Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, tổ chức Hội vẫn hoạt động theo Điều lệ, có con dấu riêng, bảo đảm tính độc lập tương đối và phát huy vai trò trong hệ thống chính trị.

 Hội LHPN tỉnh Bình Định giám sát thực hiện Bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện An Lão. Ảnh: PNBĐ

Hội LHPN tỉnh Bình Định giám sát thực hiện Bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện An Lão. Ảnh: PNBĐ

Căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025.

Theo đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ thực hiện theo nguyên tắc hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc về chung đầu mối với cơ quan Mặt trận; đồng thời bảo đảm mỗi đoàn thể vẫn phát huy được tính chủ động, sáng tạo và độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động.

Hội vẫn có pháp nhân, con dấu riêng

Trong mô hình tổ chức mới theo Hướng dẫn 31-HD/BTCTW, cơ quan tham mưu, giúp việc của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội LHPN, được hợp nhất về chung một đầu mối với cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã. Tuy nhiên, Hội không bị sáp nhập hay giải thể, mà vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và hoạt động theo Điều lệ Hội.

Tại cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập một cơ quan tham mưu, giúp việc chung cho Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong cơ quan này, Hội Phụ nữ có Ban Công tác Phụ nữ, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đặc thù.

Chủ tịch Hội LHPN cấp tỉnh vẫn là người đứng đầu tổ chức Hội, được bố trí đồng thời làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Khi Đại hội thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Tại cấp xã, hướng dẫn nêu rõ: sau sắp xếp, Chủ tịch Hội LHPN xã sẽ là một trong tối đa 5 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, đồng thời tiếp tục phụ trách toàn diện hoạt động của tổ chức Hội tại địa phương.

Đội ngũ cán bộ Hội được bố trí kiêm nhiệm nhưng vẫn duy trì đầy đủ cơ cấu tổ chức theo Điều lệ Hội, có thể hoạt động độc lập trong khuôn khổ Mặt trận, bảo đảm tính thống nhất hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở.

Việc hợp nhất cơ quan tham mưu không làm mất đi tính chất của Hội là một tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt về công tác phụ nữ. Đây chính là mô hình tổ chức theo hướng "một khối thống nhất - nhiều chủ thể độc lập tương đối", giúp tiết kiệm đầu mối hành chính, nhưng vẫn bảo đảm tính chuyên môn, bản sắc của từng đoàn thể.

Cán bộ Hội được bố trí công tác ra sao?

Quá trình sắp xếp bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo Hướng dẫn 31 không chỉ là thay đổi về mặt tổ chức, mà kéo theo việc bố trí, phân công lại đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh và cấp xã.

Cấp tỉnh: Chủ tịch Hội LHPN sẽ được bố trí đồng thời là một trong các Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

Hướng dẫn 31 ghi rõ: trong các địa phương sáp nhập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ đề án tổ chức lại để bố trí các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ. Trong đó, mỗi đồng chí lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội (như Hội LHPN, Công đoàn, Hội Nông dân...) đều có thể đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch MTTQ cấp tỉnh, nhằm bảo đảm tính đại diện và lồng ghép hiệu quả công tác.

Bên cạnh đó, các cấp phó của Hội (Phó Chủ tịch, Trưởng ban chuyên môn...) có thể được điều động kiêm nhiệm trưởng/phó các ban, đơn vị trong cơ quan tham mưu, giúp việc chung - ví dụ như Ban Công tác Phụ nữ, Ban Công tác Gia đình - Trẻ em, hoặc phối hợp với ban Tuyên giáo, tổ chức các hoạt động truyền thông, giám sát phản biện xã hội về giới.

Cấp xã: Theo Hướng dẫn 31, Chủ tịch Hội LHPN xã được bố trí là một trong tối đa 5 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Đây là quy định nhất quán trong mô hình tổ chức mới: các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã không còn cơ quan riêng biệt mà được tổ chức lồng ghép, nhưng mỗi tổ chức vẫn giữ người đứng đầu đồng thời tham gia công tác trong bộ máy chung.

Như vậy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã vừa là lãnh đạo hoạt động Hội, vừa đồng thời là một trong những người điều hành công việc chung trong khối Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở, phát huy vai trò trung tâm trong công tác phụ nữ, bình đẳng giới, xây dựng gia đình và phong trào ở cộng đồng.

Việc kiêm nhiệm hoặc đồng thời đảm nhiệm chức danh không có nghĩa là giảm nhẹ vai trò của cán bộ Hội. Ngược lại, đây là yêu cầu cao hơn về bản lĩnh, năng lực điều phối và sự chủ động của đội ngũ cán bộ Hội trong bối cảnh mới. Tinh thần "mỗi vị trí - nhiều nhiệm vụ" đòi hỏi cán bộ Hội phải được đào tạo bài bản, đủ năng lực điều hành các chương trình lồng ghép, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của Hội.

Bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, phát biểu trong hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, giai đoạn 2019-2024 tại huyện Tiên Du. Ảnh: PNBN

Bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, phát biểu trong hoạt động giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, giai đoạn 2019-2024 tại huyện Tiên Du. Ảnh: PNBN

Tổ chức Hội trong cơ chế phối hợp mới

Việc chuyển sang mô hình tổ chức hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc về chung đầu mối với cơ quan Mặt trận Tổ quốc không chỉ là thay đổi về hình thức hành chính. Thực chất, đây là một sự chuyển động lớn trong phương thức hoạt động, phối hợp và quản lý cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thách thức

Một trong những thách thức lớn đặt ra là: cán bộ Hội phải thích ứng với cơ chế vận hành mới - nơi không còn mô hình "mỗi tổ chức một cơ quan", mà thay vào đó là "một cơ quan chung - nhiều chức năng đặc thù".

Trong điều kiện này, các chương trình, hoạt động của Hội cần được thiết kế và triển khai sao cho phù hợp với kế hoạch tổng thể của cơ quan Mặt trận và các tổ chức đoàn thể khác.

Cán bộ Hội cần có khả năng phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, không chỉ trong phạm vi công tác phụ nữ mà còn liên quan đến dân vận, giám sát, xây dựng nông thôn mới hay bảo vệ quyền lợi cộng đồng.

Tư duy "chờ phê duyệt" hoặc "phụ thuộc chỉ đạo" không còn phù hợp. Thay vào đó, tổ chức Hội phải nâng cao tính chủ động, khả năng sáng tạo và năng lực thích ứng trong điều kiện mới. Đặc biệt, ở cấp xã - nơi một cán bộ có thể đồng thời đảm nhiệm nhiều vai trò trong khối chính trị - xã hội, yêu cầu về sự linh hoạt và bản lĩnh càng trở nên rõ nét.

Cơ hội

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, mô hình tổ chức mới cũng mở ra những cơ hội thiết thực để Hội Phụ nữ khẳng định vị thế trong khối đại đoàn kết toàn dân. Việc Chủ tịch Hội đồng thời giữ vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh hoặc cấp xã cho phép Hội được tham gia trực tiếp vào cơ chế điều hành các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương.

Điều này giúp tổ chức Hội thực sự trở thành chủ thể tham gia định hình chính sách, phân bổ nguồn lực và xây dựng chương trình hành động phù hợp với nhu cầu thực tiễn của phụ nữ và cộng đồng.

Từ vị trí này, Hội có thể lồng ghép hiệu quả các vấn đề của phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới vào kế hoạch công tác của toàn hệ thống Mặt trận và đoàn thể. Đồng thời, không gian hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, uy tín và năng lực cán bộ Hội cũng được củng cố rõ nét hơn trong đời sống chính trị cơ sở.

Trong bối cảnh mới, chất lượng hoạt động sẽ là thước đo quan trọng để tổ chức Hội giữ vững vai trò nòng cốt, tránh nguy cơ bị "lấn sân" hoặc "hòa tan". Để làm được điều đó, tổ chức Hội cần phát huy thế mạnh truyền thống trong công tác vận động phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, tuyên truyền chủ trương, chính sách.

Cùng với đó là việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ, truyền thông số, kết nối cộng đồng mạng xã hội. Quan trọng hơn, cán bộ Hội cần chủ động tham mưu cho Mặt trận về các vấn đề giới, trẻ em, gia đình - những nội dung thiết yếu để xây dựng xã hội bền vững, bao trùm và nhân văn.

Bách Việt

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-phu-nu-duoc-to-chuc-the-nao-khi-truc-thuoc-mat-tran-20250507151003513.htm
Zalo