Hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật
Sáng 18-5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các đơn vị dự tại đểm cầu Hội trường Tỉnh ủy. Ảnh: Đắc Nhân
Hội nghị được tổ chức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, kết nối trực tuyến đến 37 ngàn điểm cầu trên cả nước, với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự hội nghị. Cùng dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại Đồng Nai, dự hội nghị có các đồng chí: Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Thái Bảo, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Tấn Đức, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Bí thư, Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Hội nghị còn được kết nối đến điểm cầu các huyện, thành phố, phường, xã trong tỉnh.
Những đóng góp tích cực của KTTN
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong gần 40 năm qua, từ khi đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với KTTN đã được thể hiện rõ tại các văn kiện, văn bản của Đảng; các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, tạo khung pháp lý thống nhất, thuận lợi cho KTTN phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh bình đẳng. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển KTTN trên các lĩnh vực.
Theo đó, trong gần 40 năm qua, có thể được khái quát thành 5 giai đoạn của KTTN. Giai đoạn 1986-1999: Hình thành và được thừa nhận; Giai đoạn 2000-2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp (DN); Giai đoạn 2006-2015: Hội nhập và mở rộng; Giai đoạn 2016-2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; Giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế tự chủ, bền vững.
Về đóng góp của KTTN trong gần 40 năm qua, có thể khẳng định: KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Số lượng DN thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5 ngàn DN năm 1990, đến nay có gần 1 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế.
KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.
Khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng trong việc tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1,5 ngàn startup năm 2015 lên khoảng 4 ngàn startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, DN lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
KTTN là động lực quan trọng của quốc gia
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia; trong đó mục tiêu phát triển KTTN đề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 (đạt 1,5 triệu DN và đóng góp 55% GDP vào năm 2025) vẫn chưa đạt được.
Gần 98% DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa; gần 70% DN tư nhân siêu nhỏ. Tỷ lệ DN đang hoạt động bình quân đạt khoảng 10 DN/1 ngàn dân vào năm 2024, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết nối giữa các DN tư nhân (DNTN), giữa DNTN với DN nhà nước và DN FDI còn hạn chế.
Một bộ phận DNTN chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế. Một số DNTN còn tham gia vào buôn lậu, trốn thuế, thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW. Ảnh: Đắc Nhân
Thủ tướng chỉ rõ, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển KTTN. Năng lực nội tại của KTTN còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Để KTTN phát triển đột phá, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển KTTN. Trong đó, xác định KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy DN là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.
Mục tiêu, đến năm 2030 KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/ngàn dân; có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, KTTN Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Trong nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào cuộc sống.