Hội nghị mùa xuân của IMF/WB: Vấn đề thuế quan chi phối chương trình
Hàng trăm nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu đang có mặt tại Washington (Mỹ) tuần này để tham dự Hội nghị mùa xuân 2025 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), diễn ra từ ngày 21 đến 26-4 (giờ địa phương). Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã đánh giá chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang làm lu mờ các dự báo kinh tế của cơ quan này.
Chủ đề nóng nhất
Theo bà Georgieva, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, công bố ngày 22-4, sẽ “giảm đáng kể nhưng không phải suy thoái”, chủ yếu là do những bất ổn và biến động thị trường trước lo ngại rủi ro do thuế quan gây ra. Tuy nhiên, việc tăng trưởng vẫn ở mức trung bình trong giới hạn và các sự khác biệt giữa phát triển kinh tế nền tảng và mới nổi ngày càng rõ ràng.
Các cuộc họp diễn ra một năm 2 lần của IMF và WBG với nhiều cuộc đàm phán cấp cao về chính sách đa phương, cùng thảo luận riêng giữa những bộ trưởng tài chính mong muốn làm trung gian cho các thỏa thuận về những vấn đề như dự án tài trợ, đầu tư nước ngoài vào trong nước và xóa nợ đối với các nước nghèo hơn.

Người dân tham gia hội chợ việc làm ở Mississauga, Ontario, Canada. Ảnh: THX
Theo ông Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Địa kinh tế thuộc Atlantic Council, Hội nghị mùa xuân năm nay sẽ không giống các năm khác và sự bị chi phối bởi một vấn đề duy nhất: thuế quan và các cuộc đàm phán song phương về quan hệ thương mại...
Các phái đoàn sẽ hướng tới mục tiêu củng cố nền kinh tế của chính họ trước tiên. Bà Nancy Lee, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là chuyên gia nghiên cứu chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu ở Washington, cho biết: Trọng tâm của các cuộc họp này, vốn tập trung nhiều vào cải cách ngân hàng phát triển đa phương và ở một mức độ nào đó là củng cố cấu trúc nợ có chủ quyền trong vài năm qua, sẽ bị bỏ qua.
Tiếp tục gây sóng gió
Liên quan đến thuế quan của Mỹ, Chính phủ Mỹ thông báo ý định áp mức thuế lên tới 3.521% đối với các tấm pin năng lượng Mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á. Đề xuất này còn phải chờ sự phê chuẩn cuối cùng từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) tại cuộc họp diễn ra vào tháng 6 tới.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các mức thuế mới này đặc biệt nhắm đến “trợ cấp xuyên quốc gia” - một hình thức trợ cấp mà các công ty tại một quốc gia nhận được từ chính phủ của một quốc gia khác. Trong số các công ty bị áp thuế có Jinko Solar và Trina Solar của Trung Quốc.
Dự kiến, mức thuế được đề xuất đối với Campuchia có thể lên tới 3.521%, trong khi các sản phẩm của Jinko Solar xuất khẩu từ Malaysia chịu thuế 40%, từ Việt Nam chịu thuế 245%; sản phẩm của Trina Solar chịu thuế 375% nếu xuất khẩu từ Thái Lan và hơn 200% nếu từ Việt Nam.
Những mức thuế này chưa bao gồm mức thuế cơ bản 10% mà chính phủ của ông Donald Trump đã áp dụng từ đầu tháng 4 đối với phần lớn hàng hóa từ các đối tác thương mại chính.
Trong khi đó, các quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ tiếp tục hứng chịu tác động từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump. Trong đó, Canada đứng trước nguy cơ kinh tế suy thoái sâu bất chấp thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm, còn Mexico vẫn chưa đạt được thỏa thuận miễn thuế đối với các ngành công nghiệp chủ chốt như thép, nhôm và ô tô.
Báo cáo của Công ty dự báo kinh tế toàn cầu Oxford Economics cho rằng, mặc dù các mối đe dọa về thuế quan đã giảm bớt, nhưng sự bất ổn về kinh tế sẽ làm giảm tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thậm chí gây ra tình trạng giảm phát trong thời gian ngắn.
Điều này khiến Canada có thể rơi vào suy thoái sâu hơn dự đoán ban đầu. Oxford Economics dự báo trong 6 tháng cuối năm 2025, Canada có thể mất tới 200.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh ở mức 7,7%.