Hội LHPN Nghệ An: Mô hình sinh kế thiết thực giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống

Với vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã chủ động, tích cực triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình thiết thực được xây dựng, hàng nghìn phụ nữ được nâng cao năng lực, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Buổi sinh hoạt của một CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trên địa bàn.

Buổi sinh hoạt của một CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trên địa bàn.

Thay đổi tư duy về vai trò phụ nữ và trẻ em

Ngay sau khi Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được ban hành trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trên toàn tỉnh. Trong đó có 22 kế hoạch, 2 hướng dẫn và 4 công văn liên quan được ban hành, thể hiện sự vào cuộc bài bản và quyết liệt.

Trong giai đoạn từ 2021 đến đầu năm 2025, Hội đã tổ chức thành lập và duy trì 360 tổ truyền thông tại cộng đồng, mỗi tổ gồm 10 - 15 thành viên là người có uy tín, có kỹ năng truyền thông, trong đó đảm bảo sự tham gia của cả nam và nữ. Từ các tổ này, hàng trăm buổi tuyên truyền, vận động về "thay đổi nếp nghĩ, cách làm", chống định kiến giới, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, tảo hôn... đã được triển khai sâu rộng đến tận các bản làng.

Hội cũng đã chi trả gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP cho 839 phụ nữ DTTS tại các huyện khó khăn như Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Chi trả gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chi trả gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, Hội đã xây dựng và phát hành các video truyền thông về sức khỏe bà mẹ - trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới, tham gia phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới, tổ chức các cuộc thi truyền thông như "Lắng nghe con nói"... thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp tích cực đến cộng đồng.

Những mô hình thiết thực, hướng tới tính bền vững

Không dừng lại ở tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh triển khai các mô hình cụ thể, giúp phụ nữ DTTS nâng cao quyền năng kinh tế, bảo vệ bản thân, chăm lo gia đình và phát triển cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hội đã thành lập 12 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Tổ đan lát thủ công mỹ nghệ tại xã Cam Lâm (Con Cuông), Tổ hợp tác trồng cây dược liệu và chế biến tinh dầu ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp), Tổ hợp tác thổ cẩm Yên Hòa tại xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), Tổ sinh kế sản xuất gạo nếp cẩm tại xã Nga My (Tương Dương)... Hội đã tổ chức tập huấn kỹ năng quản lý, marketing, tiếp cận thương mại điện tử, thanh toán điện tử, định hướng xây dựng sản phẩm OCOP...

Bên cạnh đó, Hội đã thành lập 41 mô hình "địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" tại các huyện Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Con Cuông... nhằm hỗ trợ kịp thời phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Mỗi mô hình được hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ năng phát hiện và hỗ trợ nạn nhân, trang bị vật dụng cần thiết để hoạt động hiệu quả.

Một điểm nhấn khác là hoạt động nâng cao vai trò lãnh đạo, tiếng nói của phụ nữ và trẻ em. Hội đã tổ chức 112 cuộc đối thoại chính sách tại xã, thôn bản cho gần 11.600 người, tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, phản ánh nguyện vọng, tham gia góp ý các chủ trương, chính sách.

Đồng thời, Hội tổ chức 2 lớp tập huấn cho 95 cán bộ nữ người DTTS (vượt chỉ tiêu kế hoạch) và thành lập 52 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại các trường học THCS – nơi các em học sinh DTTS được rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tự tin bày tỏ quan điểm.

Về đào tạo, Hội tổ chức 21 lớp tập huấn lồng ghép giới (LGG) chương trình 2 cho hơn 1.200 lượt cán bộ huyện, xã; 53 lớp tập huấn LGG chương trình 3 và 23 lớp hướng dẫn giám sát đánh giá về bình đẳng giới cho hơn 2.200 lượt cán bộ thôn, xã. Việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chính quyền, cộng tác viên cơ sở đã góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác bình đẳng giới tại cộng đồng.

Kỳ vọng dài lâu trong công tác bình đẳng giới

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Dự án 8 do Hội LHPN tỉnh Nghệ An chủ trì đều đạt mức khả quan, nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể: 360/390 tổ truyền thông cộng đồng (đạt 92%), 41/44 địa chỉ tin cậy (93,2%), 95/50 cán bộ nữ dân tộc thiểu số được tập huấn (vượt chỉ tiêu), 21/21 lớp LGG chương trình 2 (100%)...

Các hoạt động đã góp phần thay đổi nhận thức trong cộng đồng về vai trò của phụ nữ và trẻ em, xóa bỏ nhiều định kiến giới lâu đời. Phụ nữ dân tộc thiểu số từng bước tự tin hơn trong công việc và cuộc sống, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Trẻ em- đặc biệt là trẻ gái - có thêm cơ hội học tập, được bảo vệ tốt hơn.

Phụ nữ và trẻ em dân tộc Thái ở địa bàn tỉnh Nghệ An.

Phụ nữ và trẻ em dân tộc Thái ở địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN và các cơ quan như Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Dân tộc - Tôn giáo, phòng Dân tộc các huyện... đã tạo nên mạng lưới hỗ trợ đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn tồn tại: một số nội dung triển khai chậm do hướng dẫn chính sách chưa kịp thời, định mức chi thấp so với thực tế, một số chỉ tiêu về mô hình sinh kế và ứng dụng công nghệ còn chưa đạt như kỳ vọng. Việc huy động đối tượng tham gia tập huấn, truyền thông còn gặp khó khăn tại một số địa phương do chồng chéo các chương trình.

Hội LHPN tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế này trong các cuộc họp sơ kết, đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm như: cần chủ động phối hợp đồng bộ giữa các ngành; lựa chọn người có uy tín, trách nhiệm làm nòng cốt cho các mô hình; chú trọng truyền thông đơn giản, dễ hiểu, sát thực tế; tăng cường giám sát, kiểm tra việc triển khai tại cơ sở.

Với những gì đã đạt được, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đang tiếp tục hoàn thiện các hoạt động còn lại trong năm cuối cùng của giai đoạn I (2021 - 2025), đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai giai đoạn II (2026 - 2030). Dự kiến, các nội dung như phát triển mô hình sinh kế, truyền thông số, hỗ trợ phụ nữ yếu thế, tăng cường tiếng nói phụ nữ trong hệ thống chính trị... sẽ tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới.

Bằng sự vào cuộc trách nhiệm, sáng tạo và sát sao của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, Dự án 8 do Hội LHPN tỉnh Nghệ An chủ trì không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-lhpn-nghe-an-mo-hinh-sinh-ke-thiet-thuc-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-thay-doi-cuoc-song-20250520170616315.htm
Zalo