Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Chủ động, kiên định, vững vàng trong đổi mới

Kết quả 4 tháng đầu năm 2025 cho thấy những nỗ lực bền bỉ, sáng tạo và đầy trách nhiệm của toàn hệ thống BHXH Việt Nam trong thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ theo cơ cấu tổ chức mới, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò chủ lực trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Bất chấp những khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi bộ máy tổ chức cũng như những biến động của thị trường lao động, toàn hệ thống BHXH vẫn duy trì hoạt động thông suốt, hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực nghiệp vụ, đặc biệt là công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

 Toàn hệ thống BHXH vẫn duy trì hoạt động thông suốt, hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực nghiệp vụ, đặc biệt là công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ảnh minh họa

Toàn hệ thống BHXH vẫn duy trì hoạt động thông suốt, hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực nghiệp vụ, đặc biệt là công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ảnh minh họa

Những con số biết nói: Tăng trưởng thực chất, bền vững

Tính đến hết tháng 4 năm 2025, các chỉ tiêu về thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đều ghi nhận mức tăng trưởng rõ nét so với cùng kỳ năm 2024 - minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành. Số người tham gia BHXH đạt khoảng 18,579 triệu người, tăng 1,222 triệu người (7,0%).

Trong đó: BHXH bắt buộc: 16,823 triệu người (tăng 5,7%); BHXH tự nguyện: 1,756 triệu người (tăng 21,9%); Số người tham gia BHYT đạt khoảng 91,197 triệu người, tăng 913 nghìn người (1,0%); Số người tham gia BHTN đạt khoảng 15,123 triệu người, tăng 917,7 nghìn người (6,5%). Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN: 188.906 tỉ đồng, tăng 21,6%. Tỷ lệ chậm đóng: 17.691 tỉ đồng, chiếm 2,96% số phải thu, giảm 0,32% so với cùng kỳ.

Những con số trên càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp, nhất là trong các ngành sản xuất, xuất khẩu như may mặc, da giày, thủy sản, chế biến gỗ... đang chịu áp lực lớn từ thị trường, dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, gián đoạn việc làm.

Đồng bộ các giải pháp - Tinh thần “5 rõ” được phát huy cao độ

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2025, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, việc giao chỉ tiêu phát triển người tham gia và chỉ tiêu giảm nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho từng đơn vị theo tinh thần “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả là một điểm sáng thể hiện tính kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4860/BTC-BHXH ngày 15/4/2025 gửi đến các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai chính sách BHXH, BHYT. Nhiều địa phương đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương - một yếu tố quyết định cho sự thành công của chính sách an sinh xã hội.

 Ngay từ đầu năm 2025, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm 2025, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Ảnh minh họa

Cấp ủy, chính quyền địa phương: “Chìa khóa” cho sự lan tỏa chính sách

Thực tế đã khẳng định: ở đâu có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, ở đó chính sách BHXH, BHYT được triển khai hiệu quả, bền vững.

Tính đến hết năm 2024: 100% xã, phường tại 63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo chính sách BHXH, BHYT. 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 23/63 tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện từ ngân sách địa phương. 63/63 tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng BHYT từ ngân sách địa phương.

Tiếp nối kết quả đó, trong những tháng đầu năm 2025, các BHXH tỉnh, thành tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa lộ trình bao phủ BHXH toàn dân. Nhiều Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thêm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo chính sách BHXH, BHYT các cấp đã chủ động thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tình trạng chậm, trốn đóng kéo dài – bảo vệ trực tiếp quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng đã ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, nỗ lực vượt khó, tính chuyên nghiệp và sự phục vụ tận tâm của đội ngũ cán bộ, viên chức toàn hệ thống BHXH Việt Nam. Trong bối cảnh đổi mới tổ chức bộ máy, việc duy trì thông suốt hoạt động, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp là thành quả đáng trân trọng.

Có thể khẳng định, công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là biểu hiện sinh động của tư duy hành động vì người dân, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Trên hành trình hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, ngành BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là trụ cột vững chắc của hệ thống an sinh quốc gia.

Ngọc Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-chu-dong-kien-dinh-vung-vang-trong-doi-moi-178097.html
Zalo