Học yêu bằng ChatGPT: Khi người trẻ tìm tình yêu qua... AI
Khi những câu trả lời từ ChatGPT bắt đầu thay thế những cuộc trò chuyện giữa người với người, tình yêu cũng dần trở thành một chủ đề được 'số hóa'.
Học yêu bằng ChatGPT: Khi người trẻ tìm tình yêu qua... AI
Lê Duy Anh (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Có lần cãi nhau với người yêu về chuyện rất nhỏ, mình không biết phải mở lời thế nào nên đã thử nhờ ChatGPT soạn một tin nhắn xin lỗi. Không ngờ kết quả lại ngọt ngào đến mức khiến cả hai cùng bật cười và làm lành ngay tối hôm đó”. Từ sau lần đó, Duy Anh thỉnh thoảng vẫn sử dụng ChatGPT như công cụ tham khảo khi gặp bế tắc trong giao tiếp tình cảm.

ChatGPT gợi ý 1 số địa điểm khi hẹn hò. (Ảnh chụp màn hình)
Vũ Ngọc Mai (22 tuổi, sinh viên Học viện Tài chính) lại xem ChatGPT như một người bạn đáng tin cậy trong chuyện tình cảm. Mai kể rằng trong thời gian đầu tìm hiểu bạn trai, cô nàng từng khá lúng túng trong cách nhắn tin, lựa chọn chủ đề để trò chuyện hay cách thể hiện sự quan tâm mà không khiến đối phương cảm thấy bị làm phiền:

Mai và bạn trai. (Ảnh: NVCC)
“Mình không muốn gây áp lực, nhưng cũng sợ nhạt nhẽo. Thế là mình hỏi ChatGPT những câu kiểu: 'Mình nên bắt đầu cuộc trò chuyện như thế nào để cả hai thoải mái?', hoặc 'Có nên nhắn tin chúc ngủ ngon mỗi ngày không?'. Nghe thì hơi buồn cười, nhưng ChatGPT cho mình những gợi ý rất dễ thương và thông minh,” Mai nói. Cô gái trẻ cho biết, nhờ vậy mà giai đoạn làm quen của cả hai trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn rất nhiều.
Trong một thế giới nơi con người dần có xu hướng thu mình trong không gian số, việc tìm kiếm sự đồng cảm từ một AI là điều đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, như Mai cũng tự nhận, ChatGPT không thể thay thế hoàn toàn những tương tác thực tế như nắm tay, ánh mắt cả hai trao nhau hoặc một cái ôm ấm áp.
Hương Giang (23 tuổi, hiện đang sinh sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sử dụng AI để xin lời khuyên lựa chọn quà tặng vào các dịp đặc biệt. “ChatGPT gợi ý món quà không đắt nhưng tinh tế, lại có thể cá nhân hóa theo sở thích của bạn trai. Mình rất bất ngờ vì món quà đó được khen tới tấp,” Giang cười, kể lại.
Những trải nghiệm như vậy không phải là hiếm. Ở góc độ công nghệ, ChatGPT có khả năng tạo ra câu trả lời logic, ngôn ngữ mượt mà và có vẻ thấu tình đạt lý: "AI giúp người trẻ chúng mìnhcó được những lời khuyên tình cảm nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, AI không phán xét, không phàn nàn, nên dễ tạo cảm giác an toàn cho người dùng", Giang chia sẻ.

Hương Giang cùng "nửa kia" của mình. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, liệu một cỗ máy có thể thực sự hiểu và chỉ dẫn cho những vấn đề phức tạp trong tình yêu – một trong những lĩnh vực từ lâu được xem như "độc quyền" của con người.
Không nên "ủy quyền" cảm xúc cho một cỗ máy
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh, Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, ChatGPT và các chatbot AI giúp người dùng giảm căng thẳng, cung cấp thông tin về giao tiếp, tâm lý cơ bản và giúp họ có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề. Tuy nhiên, AI không thể thay thế con người trong việc đưa ra lời khuyên thực sự sâu sắc về tình cảm.

Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh: "Hãy sống, yêu và trải nghiệm bằng chính con người bạn, thay vì 'ủy quyền' cảm xúc cho một cỗ máy". (Ảnh: NVCC)
"AI không có cảm xúc, không có khả năng đồng cảm hay đọc được những sắc thái tâm lý vi tế trong một mối quan hệ. Nó không thể nắm bắt được bối cảnh cá nhân, văn hóa và trải nghiệm sống – những yếu tố then chốt trong tình yêu,” thạc sĩ phân tích. "Nó cũng không có trách nhiệm đạo đức về lời khuyên mình đưa ra, nên việc đặt toàn bộ niềm tin vào AI là điều không nên."
Ngọc Mai chia sẻ rằng từng thất vọng khi hỏi ChatGPT cách xử lý một mối quan hệ đang trục trặc. “Mình và người yêu có vấn đề niềm tin sau khi một bên che giấu chuyện cá nhân. Mình hỏi AI thì nó đưa ra một loạt giải pháp rất máy móc, kiểu như: ‘nên trò chuyện thẳng thắn’ hay ‘tìm điểm chung’. Nhưng thực tế thì cảm xúc con người không đơn giản như thế.”
Hương Giang cũng thừa nhận việc dựa dẫm quá nhiều vào AI khiến cô nàng dần đánh mất khả năng tự cảm nhận trong tình yêu:
“Ban đầu chỉ là tham khảo lời khuyên, nhưng sau đó mình bắt đầu hỏi mọi thứ – từ khi nào nên nói yêu, đến việc có nên giận khi người yêu quên sinh nhật. Dần dần, mình cảm thấy như đang sống tình cảm giùm ai đó viết kịch bản hộ vậy.”
Sự tiện lợi của công nghệ vô tình khiến nhiều người bỏ qua việc tự rèn luyện kỹ năng giao tiếp và thấu hiểu cảm xúc thật của bản thân – điều mà thạc sĩ Nam Anh gọi là “tự nhận thức cảm xúc”.
Muốn yêu tốt, bạn phải hiểu mình là ai trong mối quan hệ đó, chứ không phải trở thành người nói thay bởi một chatbot. Học yêu không phải chỉ là học lời lẽ hay, mà là học cách kiên nhẫn, thấu hiểu và chia sẻ. Mà những điều đó chỉ đến từ tương tác con người – không thể học hết từ AI.
"Muốn yêu tốt, bạn phải hiểu mình là ai trong mối quan hệ đó, chứ không phải trở thành người nói thay bởi một chatbot. Học yêu không phải chỉ là học lời lẽ hay, mà là học cách kiên nhẫn, thấu hiểu và chia sẻ. Mà những điều đó chỉ đến từ tương tác con người – không thể học hết từ AI,” ông nói.
Với những người trẻ sống trong thời đại số, AI có thể là công cụ hữu ích, nhưng chỉ nên là điểm bắt đầu, không phải nơi kết thúc. Một vài gợi ý lời nhắn, món quà hay góc nhìn trung lập có thể giúp ích – nhưng quyết định nên được đưa ra bởi trái tim và lý trí con người.
Thạc sĩ Nam Anh nhấn mạnh: “Hãy để AI là người bạn đồng hành trong việc học hỏi, không phải người dẫn dắt. Hãy sống, yêu và trải nghiệm bằng chính con người bạn, thay vì 'ủy quyền' cảm xúc cho một cỗ máy.”
Và như vậy, trong một thế giới mà AI ngày càng có mặt trong mọi khía cạnh cuộc sống, tình yêu – có lẽ – vẫn nên giữ lại phần nhiều là của riêng con người.