Học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thời kỳ chuyển đổi số
Sáng 27/12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ năm, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham dự hội nghị có GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, GS. TS Nguyễn Thị Doan cho biết, năm 2024, Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào kết quả phát triển của đất nước, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Tuy còn nhiều khó khăn trong hoạt động như nhiều tỉnh hội thiếu nguồn lực, lực lượng, cơ sở vật chất và kinh phí nhưng với trách nhiệm dành cho công việc, đội ngũ cán bộ khuyến học vẫn luôn say mê, sáng tạo để góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Với tinh thần không ngừng nỗ lực và phát triển nhằm thúc đẩy việc học, nhiệm vụ của Hội nghị Tổng kết 2024 có mục đích đánh giá kết quả công tác thực hiện 10 nhiệm vụ theo Nghị quyết đại hội 6 đã đề ra, phân tích sâu việc thực hiện 2 chương trình 387, 677 của Thủ tướng Chính phủ; đóng góp hoàn thiện báo cáo tổng kết, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, đồng thời tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" còn tồn đọng cũng như nêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, trong năm vừa qua, các cấp hội khuyến học từ Trung ương đến cơ sở đã làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đặc biệt, bản báo cáo cũng chỉ ra một số kết quả đáng ghi nhận sau 1 năm phát động phong trào thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số". Cụ thể, Hội Khuyến học các cấp rất tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp các cấp, các ngành để liên kết lực lượng xã hội nhằm tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và vận động người dân tự giác học tập, học tập suốt đời. Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, gắn công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với các nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng bền vững của địa phương và đất nước.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập lấy người dân làm trung tâm, chú trọng việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo chuyển biến thực sự để đạt kết quả bền vững phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi những khó khăn, thách thức còn vướng mắc, nhất là khi phong trào phát động vẫn chưa được rộng khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước, sức lan tỏa của tinh thần tự học, học tập suốt đời vẫn chưa đến được hết mọi người dân như ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Điều này đã được Hội Khuyến học ghi nhận và sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới.
Với mục tiêu đổi mới toàn diện trong bối cảnh chuyển đổi số, Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục là cầu nối trong việc kết nối tri thức, phát triển con người và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, là nền tảng vững chắc để đất nước vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.