'Học sinh toàn đạt danh hiệu khá, giỏi sao phải lo chuyện đi học thêm?'

Chuyên gia giáo dục Lê Đông Phương nêu nghịch lý: 'Qua báo cáo tổng kết các năm học, đa số học sinh được xếp loại khá giỏi, số yếu kém chỉ chiếm rất ít, vậy tại sao xã hội, phụ huynh cứ phải lo chuyện học thêm, dạy thêm?'.

“Nếu toàn học sinh khá, giỏi sao cứ phải loay hoay lo cho các con học thêm? Đây là nghịch lý mà bản thân tôi không thể giải thích được. Nếu kết quả đánh giá học tập là đúng thực chất, tôi nghĩ chỉ những học sinh nào được đánh giá yếu, kém mới cần phải lo chuyện học thêm như là một việc cấp thiết”, TS Lê Đông Phương (nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nêu băn khoăn trước vấn đề dạy thêm, học thêm đang được dư luận, xã hội quan tâm.

Theo ông Phương, cả xã hội, phụ huynh và giáo viên đều có cùng cách nhìn nhận. “Trên mạng xã hội, nhiều giáo viên băn khoăn, than thở không được dạy thêm thu nhập sẽ giảm. Nhưng chính họ cũng nên xem lại những học sinh của họ tổng kết đạt mức học tập ra sao. Nếu các em khá giỏi rồi, có thực sự cần phải học thêm hay không? Phụ huynh cũng nên cân nhắc, nếu con em mình đạt kết quả tốt rồi có quá cần thiết đi học thêm, nhồi nhét thêm kiến thức?”, ông Phương chia sẻ.

TS Phương nhấn mạnh, giáo dục là một lĩnh vực xã hội được mọi người rất quan tâm và để ý đến những diễn biến trong các chính sách, hoạt động của ngành. Người Việt Nam thường có tư duy so sánh, so bì khá lớn. Chính vì vậy, trong tâm lý của cả xã hội và cả các nhà quản lý giáo dục, thường sử dụng thành tích giáo dục như là một thước đo về sự thành công của một cá nhân, tập thể. Điều đó hình thành nên tư duy “ngày càng phải tốt hơn”.

“Bệnh thành tích đã ăn sâu vào trong tư duy về giáo dục của người Việt. Câu chuyện học thêm cũng vì vậy trở nên "nóng". Tức là đã tốt vẫn muốn tốt hơn. Con mình học được loại khá thì phải học giỏi, học giỏi thì phải học giỏi hơn nữa, mục đích làm sao để đạt được kết quả tiếp theo cao hơn. Để làm được điều đó, việc luyện thi, ôn thi hay những dạng thức khác nhau của học thêm diễn ra rất nhiều. Vì vậy, học thêm đã trở thành một yếu tố đi kèm với kết quả, thành tích học tập”, ông Phương nói.

Tiến sĩ này phân tích thêm, Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy câu chuyện 'thành tích ảo' và trong 'thành tích ảo' đó có sự đóng góp của học thêm. Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên còn chuyển một phần nội dung của chương trình vốn là chính khóa sang chương trình học thêm. Như vậy những học sinh nào không đi học thêm (vì nhiều lý do khác nhau) sẽ không đạt được kết quả tốt nhất.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Theo ông Phương, việc học thêm chỉ nhằm bồi dưỡng cho những đối tượng học sinh thực sự cần, còn những học sinh được đánh giá học khá, tốt không cần học thêm. Ông Phương cho rằng, một bộ phận dư luận, xã hội "đắm đuối" chuyện học thêm, cũng cho thấy sự mất phương hướng trong giáo dục, khi người ta không hình dung được chính xác đi học để hướng đến cái gì.

“Nhiều người chỉ nghĩ đi học để học cao hơn nên cố gắng học hết mức mà không biết rằng kiến thức đó sẽ mang lại được những gi cho thế hệ trẻ sau này”, ông Phương nói.

Để khắc phục được điều này, theo ông Phương, xã hội cần tư duy chính xác việc: “Học để làm gì?” trước khi thay đổi tư duy. “Lấy lý do cần dạy thêm để biện minh cho việc tăng thu nhập tôi cho là không chính đáng. Người giáo viên trước tiên cần suy nghĩ về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Tức nghĩa vụ của người giáo viên là phải truyền đạt và giúp cho học sinh hiểu được tất cả những kiến thức được quy định trong chương trình. Nếu thấy lương, thưởng trong cơ chế không thỏa đáng, người thầy nên đi làm việc khác. Chúng ta không nên vừa một mặt đòi hỏi đây là nghề cao quý nhưng mặt khác thì biện minh 'tôi muốn có nhiều tiền nên sẽ làm cả những việc không cao quý'”.

Cũng theo ông Phương, các nhà quản lý cũng phải tính toán lại định mức thực hiện chương trình cho người làm việc trong ngành giáo dục. “Bởi giáo viên hiện nay khá vất vả. Họ phải làm rất nhiều việc không tên chứ không phải chỉ thuần túy dạy học trên lớp”.

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…

Thông tư nhằm mục đích để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Chỉ còn 1 ngày nữa, thông tư sẽ có hiệu lực, các phụ huynh vẫn nổ ra những luồng tranh cãi trái chiều. Trước thông báo dừng dạy thêm từ hàng loạt trường, một số phụ huynh thở phào khi các con đỡ áp lực trong học tập. Tuy nhiên cũng không ít người bày tỏ băn khoăn về việc quản lý con ra sao nếu tới đây sẽ thêm một buổi ở nhà, thay vì ở trường cả ngày như trước. Ngoài ra, khi đăng ký học thêm cho con ở trung tâm họ sẽ tốn một khoản tiền không ít so với học thêm tại trường.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-toan-dat-danh-hieu-kha-gioi-sao-phai-lo-chuyen-di-hoc-them-2370821.html
Zalo