Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ngăn chặn dạy thêm, học thêm?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 545/BGDĐT-GDTrH về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông theo hướng không gây áp lực học thêm cho học sinh. Tuy vậy, có thể dùng mệnh lệnh hành chính để ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm hay không là điều đáng bàn trong thực tiễn thi cử như hiện nay.

Công văn 545/BGDĐT-GDTrH có gì đáng chú ý?

Theo Công văn 545/BGDĐT-GDTrH, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:

- Chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng.

- Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kì; xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, trung học cơ sở) và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp trung học phổ thông phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân nhân dân tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm

Một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, không thể dùng biện pháp hành chính - Công văn 545/BGDĐT-GDTrH - để ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm ở các nhà trường trung học phổ thông vì 2 lí do chủ chủ yếu như sau.

Thứ nhất, học sinh cuối cấp lớp 5, lớp 9 và lớp 12 vẫn phải tham dự các kì đánh giá năng lực, kì thi có liên quan với mức độ cạnh tranh rất khốc liệt, nếu không học thêm ở trong và ngoài nhà trường, các em khó có có hội thi đỗ, ngoại trừ những học sinh có học lực khá, giỏi thực sự.

Cụ thể, khoản 2 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định phương thức tuyển sinh trung học cơ sở nêu rõ: "Tuyển sinh trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức xét tuyển".

Tuy vậy, Ngày 10/1/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo Công văn số 114/BGDĐT-GDTrH về việc lựa chọn, công bố môn thi thứ ba và hướng dẫn tiêu chí xét tuyển trong tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông theo quy định của Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT.

Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường trung học cơ sở đánh giá năng lực học sinh bằng hình thức hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm,... Quy định này chẳng khác nào cho phép thi tuyển vào lớp 6. Có thể khẳng định, nếu học sinh không đi học thêm thì cơ hội trúng tuyển vào lớp 6 là rất thấp.

Minh chứng, chẳng hạn, năm 2024, số thí sinh đăng ký dự khảo sát lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh, là 4.301, trong khi trường chỉ tuyển 350 học sinh, tỉ lệ chọi là 1/12,28.

Tương tự, học sinh lớp 9, lớp 12 không đi học thêm thì cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 hay được xét tuyển vào đại học cũng rất thấp. Minh chứng, Năm 2024 có gần 106.500 học sinh đăng ký thi lớp 10 công lập ở Hà Nội, trong khi các trường chỉ tuyển 61%, tỷ lệ chọi cao nhất là 1/3,11.

Thứ hai, Ủy ban nhân nhân dân tỉnh khó có thể hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, tránh dạy thêm, học thêm. Đơn cử, ngay cả chuyện miễn giảm học phí cho học sinh các cấp, rất ít địa phương thực hiện được.

Minh chứng, cho đến thời điểm cuối tháng 12/2024, các tỉnh thành miễn học phí 100% cho học sinh từ mầm non tới hết lớp 12 trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024-2025, gồm: Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Hơn nữa, giả sử địa phương không hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh (vào dịp hè) thì giáo viên hoàn toàn có quyền từ chối dạy thêm. Thầy cô giáo chỉ cần dạy đủ định mức theo quy định, ví dụ giáo viên bậc trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định về định mức tiết dạy đối với giáo viên phổ thông.

Với việc ban hành Công văn 545/BGDĐT-GDTrH, phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang gặp khó khăn về việc chỉ đạo dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT?

Toàn văn Công văn 545/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khong-the-dung-menh-lenh-hanh-chinh-de-ngan-chan-day-them-hoc-them-17925021310432377.htm
Zalo