Học sinh THPT đang sử dụng ChatGPT vào những việc gì?

Khảo sát 875 học sinh lớp 10, 11, 12 thì có 549 em cho biết đang sử dụng ChatGPT trong học tập và giải tỏa căng thẳng.

Vừa qua, người viết là giáo viên đã hướng dẫn một học sinh thực hiện đề tài “Thực trạng học sinh bậc trung học phổ thông lạm dụng ChatGPT trong học tập và giải tỏa căng thẳng – Đề xuất giải pháp” để dự thi Hội thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh.

Theo đó, khảo sát 875 học sinh lớp 10, 11, 12 một trường trung học phổ thông ở địa phương nơi người viết đang công tác thì có 549 em cho biết đang sử dụng ChatGPT trong học tập và giải tỏa căng thẳng.

Số lượng mẫu nghiên cứu của học sinh có thể chưa đủ để mang tính đại diện. Tuy nhiên, những con số từ chính việc khảo sát của học sinh cũng cho thấy có nhiều điều cần suy nghĩ. Người viết xin chia sẻ một số kết quả chính từ dự án này để độc giả có thêm góc nhìn.

Thực trạng sử dụng ChatGPT của học sinh trung học phổ thông

Học sinh đang sử dụng ChatGPT cho những mục đích khác nhau. Kết quả khảo sát như sau:

- Có 23,9% và 9,9% số lượng học sinh thường xuyên và rất thường xuyên sử dụng ChatGPT để giúp giải đáp về nhiều lĩnh vực.

- Có 9% và 3,8% số lượng học sinh thường xuyên và rất thường xuyên sử dụng ChatGPT để hỗ trợ giải bài tập về nhà.

- Có 7,5% và 4,2% số lượng học sinh thường xuyên và rất thường xuyên sử dụng ChatGPT để hỗ trợ viết bài văn, đoạn văn.

- Có 9,3% và 3,1% số lượng học sinh thường xuyên và rất thường xuyên sử dụng ChatGPT để hỗ trợ làm bài tập các môn khoa học tự nhiên.

- Đáng chú ý, có 9,1% và 6,9% số lượng học sinh thường xuyên và rất thường xuyên sử dụng ChatGPT để tâm sự giải tỏa căng thẳng.

 Số lượng học sinh sử dụng ChatGPT để giải tỏa căng thẳng. (Ảnh: Hoàng Bảo Ngọc)

Số lượng học sinh sử dụng ChatGPT để giải tỏa căng thẳng. (Ảnh: Hoàng Bảo Ngọc)

- Có 70% số lượng học sinh không bao giờ hoặc hiếm khi dùng ChatGPT để làm bài tập về nhà; 66% số lượng học sinh không bao giờ hoặc hiếm khi dùng ChatGPT để hỗ trợ viết bài văn, đoạn văn. Có 74,5% số lượng học sinh không bao giờ hoặc hiếm khi dùng ChatGPT để đổi đơn vị, độ dài,…

Nhìn chung, đa số học sinh biết sử dụng ChatGPT trong học tập và đời sống, là biểu hiện của sự linh hoạt và kịp thời nắm bắt công nghệ ở lứa tuổi thanh niên. Nhiều học sinh không lạm dụng ChatGPT, phản ánh ý thức tự học của các bạn tương đối cao.

Tuy vậy, vẫn còn 30% số lượng học sinh (bao gồm nhóm “thỉnh thoảng”; “thường xuyên”; “rất thường xuyên”) sử dụng ChatGPT để bài tập về nhà.

Một số nguyên nhân chính khiến học sinh lạm dụng ChatGPT

Thứ nhất, ChatGPT giúp học sinh tìm kiếm thông tin và trả lời câu hỏi nhanh chóng, chính xác, giúp tiết kiệm thời gian tra cứu. Đây cũng là lợi thế vượt trội của ChatGPT so với Google. Thậm chí, không ít học sinh lười suy nghĩ, học đối phó nên lạm dụng ChatGPT để học tập, nghiên cứu để có thêm thời gian vui chơi, ví dụ chơi game.

Thứ hai, ChatGPT có thể giúp học sinh cải thiện kỹ năng viết. Phần mềm này có khả năng tự động tạo ra văn bản, vì vậy học sinh có thể sử dụng để tạo ra các bài luận, đoạn văn, báo cáo. Điều đáng quan tâm, ChatGPT có thể hỗ trợ người dùng trong việc sử dụng ngôn ngữ chính xác và logic, giúp bài làm có cấu trúc hợp lý và được trình bày một cách rõ ràng.

Thứ ba, ChatGPT đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học ngôn ngữ dễ dàng. ChatGPT giúp học sinh: dịch từ vựng và câu từ; học ngữ pháp; tìm kiếm và phát âm từ; ChatGPT còn có thể chấm điểm, đưa ra nhận xét về bài luận một cách rất chi tiết.

Thứ tư, ChatGPT giúp học sinh nâng cao các kĩ năng mềm trong học tập. Chẳng hạn,tính năng thiết kế đồ họa của ChatGPT giúp học sinh thực hiện các poster, sơ đồ tư duy, bài giảng điện tử, làm việc nhóm,… Ví dụ, ChatGPT cho phép người dùng thiết kế đồ họa chỉ trong 5 phút và sửa theo đúng yêu cầu mô tả, chất lượng sắc nét, thiết kế hài hòa, bắt mắt, thẩm mỹ.

 Số lượng học sinh sử dụng ChatGPT để giải bài tập về nhà. (Ảnh: Hoàng Bảo Ngọc)

Số lượng học sinh sử dụng ChatGPT để giải bài tập về nhà. (Ảnh: Hoàng Bảo Ngọc)

Thứ năm, qua khảo sát và phỏng vấn người viết ghi nhận, không ít học sinh chọn ChatGPT để tâm sự, chia sẻ cảm xúc vì ứng dụng này tư vấn, chia sẻ tương tự con người. Việc này tôi đã kiểm chứng bằng cách tạo ra một tình huống và nhờ sự trợ giúp của ứng dụng ChatGPT. Kết quả như sau:

Tôi: Tôi là một học sinh lớp 12. Dạo này tôi học yếu nên bị thầy cô giáo và cha mẹ tôi trách mắng khiến tôi rất buồn lòng. Tôi không muốn đi học nữa. Tôi có thể làm gì để vượt qua cảm xúc tiêu cực này?

ChatGPT: Thực sự rất khó khăn khi bạn cảm thấy áp lực từ học tập và những người xung quanh. Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực này:

1.Nói chuyện với người thân: Hãy chia sẻ cảm xúc của mình với cha mẹ hoặc một người bạn thân. Họ có thể giúp bạn hiểu rằng bạn không đơn độc trong cảm giác này.

2. Xác định nguyên nhân: Hãy tự hỏi tại sao bạn học yếu. Có phải do phương pháp học không hiệu quả, hay có vấn đề khác gây ra? Khi bạn hiểu rõ nguyên nhân, bạn có thể tìm ra giải pháp. […]

Hậu quả của việc lạm dụng ChatGPT trong học tập và giải tỏa căng thẳng

Thứ nhất, học sinh lạm dụng ChatGPT trong học tập làm hạn chế khả năng giải quyết vấn đề. Kỹ năng giải quyết vấn đề là cách mỗi cá nhân phân tích và xử lí tình huống trong công việc, học tập từ đó mới có thể đưa ra giải pháp đúng đắn.

Bên cạnh đó, học sinh lệ thuộc vào AI sẽ làm giảm khả năng tư duy phản biện. Dựa dẫm quá nhiều vào AI dẫn đến những sai lầm và thành kiến không được phát hiện, giải quyết kịp thời.

Thứ hai, việc lạm dụng việc hỏi-trả lời với ChatGPT khiến học sinh không còn hứng thú trong việc giao tiếp với bạn bè, gia đình, người thân và thầy cô giáo. Học sinh không có thói quen thực hành giao tiếp và trao đổi sẽ khiến các bạn thiếu hụt kĩ năng ứng xử, đặt câu hỏi.

Những ý tưởng của ChatGPT với một vài thao tác chỉnh sửa đã có thể sử dụng tốt cho những cuộc thi, nghiên cứu hay sáng tạo. Điều này làm mất khả năng sáng tạo của học sinh và tư duy tìm kiếm cách giải quyết vấn đề.

Thứ ba, lạm dụng ChatGPT khiến học sinh thu nhận những thông tin thiếu chính xác, kiến thức sai lệch. Dữ liệu thông tin mà ChatGPT có được là do tổng hợp từ một lượng lớn các văn bản từ Internet nên sẽ có lúc thông tin mà ứng dụng này cung cấp cho người dùng là không chính xác.

Dữ liệu thông tin của ChatGPT chỉ được cung cấp cho đến thời điểm trước khi ứng dụng này được công bố, thời gian sau thời điểm được công bố, kiến thức không được cập nhật hay đổi mới, thiếu độ tin cậy.

Thứ tư, lạm dụng ChatGPT khiến học sinh mất kỹ năng tra cứu thông tin và chỉ biết phụ thuộc vào công nghệ. Chat GPT khiến học sinh ngày càng trở nên lười biếng trong việc tìm kiếm thông tin và xác thực nguồn thông tin. Nhiều bạn vì quá tin tưởng vào những thông tin do ChatGPT cung cấp mà mất đi khả năng phân biệt đúng - sai, thật - giả.

Sử dụng ChatGPT thường xuyên có thể làm cho học sinh trở nên phụ thuộc quá mức vào công nghệ và không tự mình giải quyết các vấn đề một cách độc lập. Học sinh không còn tự tin giải quyết các vấn đề mà luôn cần sự hỗ trợ của công nghệ.

Thứ năm, học sinh lạm dụng ChatGPT có nguy cơ vi phạm quyền tác giả, liêm chính khoa học. ChatGPT được huấn luyện để khai thác và tổng hợp những thông tin có sẵn trên Internet, phần mềm này không hề hiểu rõ vấn đề liên quan đến bản quyền, có thể trích dẫn thông tin từ những nguồn có bản quyền tác giả.

Học sinh muốn tìm kiếm thông tin cho những bài luận, chỉ nên coi ChatGPT như một công cụ để tham khảo thông tin. Việc sử dụng 100% thông tin do ChatGPT cung cấp có thể sẽ vi phạm bản quyền tác giả và đạo đức khoa học.

Thứ sáu, ChatGPT mặc dù có nhiều tính năng ưu việt nhưng học sinh cũng không thể sử dụng để giải tỏa căng thẳng vì AI là vô tri vô giác, khác với con người có cảm xúc, tư duy.

Nhu cầu cơ bản của con người là sự kết nối tình cảm với người khác. ChatGPT cố gắng bắt chước trí thông minh của con người, nhưng trí tuệ cảm xúc không dễ bắt chước như trí tuệ. Ứng dụng này đòi hỏi sự đồng cảm và hiểu biết sâu sắc về trải nghiệm của con người, đặc biệt là nỗi đau và sự đau khổ, và AI đơn giản là không cảm thấy đau.

Một số giải pháp điều chỉnh hành vi lạm dụng ChatGPT trong học tập và giải tỏa căng thẳng của học sinh

* Trong học tập:

Học sinh cần học cách viết yêu cầu để sử dụng ChatGPT hiệu quả. Gợi ý:

Tạo ra được prompt (câu lệnh) càng cụ thể, chi tiết, càng nhiều ngữ cảnh thì ChatGPT trả lời càng chính xác.

Yêu cầu ChatGPT tuân theo văn phong và định dạng cụ thể. Ví dụ “Hãy viết dưới dạng email”, hoặc “Hãy sử dụng cấu trúc: Cái gì, Tại sao, Như thế nào”.

Yêu cầu “nhập vai”. Cho ChatGPT một vai trò cụ thể thì ứng dụng này sẽ có định hướng để phản hồi. Cần mô tả rõ vai trò mà bạn mong muốn ứng dụng này thực hiện trong đoạn prompt, hoặc dùng cấu trúc đơn giản “Là một [nghề nghiệp/ vai trò], bạn hãy...”

Yêu cầu ChatGPT khám phá những góc nhìn, ý tưởng mới. Có thể dùng từ khóa mô tả trong prompt để khám phá các góc nhìn khác nhau, ví dụ “Hãy ưu tiên các ý tưởng độc đáo, mới lạ”.

Học sinh hãy sử dụng ChatGPT có trách nhiệm. ChatGPT có thể hữu ích nếu các bạn học sinh đang tìm kiếm sự hỗ trợ. Nhưng đừng mù quáng tin tưởng vào máy móc bởi ChatGPT có thể phản hồi thông tin không chính xác hoặc thiên kiến.

Học sinh hãy biết tự học để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Học sinh tự học sẽ tốt hơn là chỉ trông chờ vào AI. Tự học giúp học sinh rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian,… Từ đó, người học sẽ chủ động quyết định thời gian học của mình và nâng cao chất lượng kiến thức.

* Trong việc giải tỏa căng thẳng:

Để giải tỏa căng thẳng, học sinh cần lên kế hoạch, sắp xếp thời gian biểu cụ thể. Học sinh nên lập danh sách những việc cần làm, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công việc giúp cân bằng giữa việc học với các việc khác, sẽ giảm bớt căng thẳng.

Nhiều học sinh căng thẳng do thiếu ngủ, nguyên nhân chủ yếu là lạm dụng điện thoại thông minh lướt mạng xã hội, chơi game,... Học sinh ngủ đủ giấc vừa giúp cơ thể tái tạo năng lượng vừa giúp tinh thần được nghỉ ngơi.

Không ít học sinh luôn tự so sánh mình với bạn bè. Tuy vậy, mỗi người có một cuộc sống riêng, không ai giống ai và mục tiêu cuối cùng chính là sống đúng với sở thích và đam mê của bản thân.

Hiện nay, nhiều học sinh đi học cả ngày lẫn đêm, lười vận động, hãy dành thời gian tập thể dục thể thao. Tập thể dục sẽ giúp tinh thần sảng khoái, tạo cảm giác tích cực, cải thiện suy nghĩ tiêu cực.

Khi căng thẳng, bạn hãy trò chuyện với gia đình, người thân và bạn bè. Những người ít giao tiếp dễ có những phản ứng tiêu cực với căng thẳng. Khi được trò chuyện nhiều hơn thì những suy nghĩ tiêu cực, lo âu, căng thẳng sẽ dần mất đi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-thpt-dang-su-dung-chatgpt-vao-nhung-viec-gi-post250253.gd
Zalo