Cần dạy luật nhân quả cho học sinh ngay từ bậc tiểu học

Việc dạy về luật nhân quả một cách độc lập, bài bản ngay từ tiểu học sẽ giúp các em sớm thấm nhuần 'gieo nhân nào gặt quả đó', biết 'sợ' khi làm điều không đúng.

Trong guồng quay của xã hội hiện đại, khi nhịp sống ngày càng gấp gáp và con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, sự kết nối giữa người với người dường như trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết. Sự bận rộn và áp lực cuộc sống nhiều khi khiến người ta quên mất những giá trị đạo đức cốt lõi, thái độ lạnh lùng, vô cảm trong cộng đồng gia tăng đáng lo ngại. Chính từ sự thờ ơ, vô cảm này mà những hành vi sai trái, thậm chí là tội ác, có cơ hội nảy sinh, phát triển.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, từ nhiều thập kỷ trước, hệ thống giáo dục Việt Nam đã đưa các môn học như Đạo đức (ở cấp tiểu học) và Giáo dục công dân (ở các cấp học cao hơn) vào chương trình giảng dạy. Mục tiêu của những môn học này là giúp học sinh nhận thức về chuẩn mực đạo đức, những giá trị sống tốt đẹp, trở thành những công dân tốt.

Tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả của chúng vẫn còn hạn chế, một phần xuất phát từ tâm lý coi nhẹ “môn phụ” của cả học sinh, phụ huynh và thậm chí cả một bộ phận giáo viên.

Cần dạy về luật nhân quả cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. (Ảnh: Freepik)

Cần dạy về luật nhân quả cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. (Ảnh: Freepik)

Trong môi trường giáo dục nặng về thành tích và điểm số, các môn học mang tính chất nhân văn, đạo đức thường bị xếp sau các môn khoa học tự nhiên và xã hội được coi là "môn chính". Áp lực từ các kỳ thi quan trọng khiến nhiều người, bao gồm cả giáo viên, vô tình hoặc hữu ý xem nhẹ vai trò của việc giáo dục đạo đức, tập trung vào việc luyện thi.

Sự coi nhẹ này góp phần khiến tình trạng xuống cấp đạo đức trong một bộ phận không nhỏ học sinh trở nên trầm trọng hơn. Không khó bắt gặp cảnh học sinh đánh nhau, bắt nạt bạn bè, sử dụng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa trên mạng xã hội và trong cuộc sống hàng ngày. Những hành vi này không chỉ gây tổn thương về thể chất và tinh thần cho nạn nhân mà còn tạo ra một môi trường học đường thiếu lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của học sinh.

Trước thực trạng đáng báo động này, việc triển khai giảng dạy kiến thức về nhân quả một cách độc lập và bài bản ngay từ bậc tiểu học trở nên hết sức cấp thiết. Luật nhân quả là một trong những quy luật cơ bản của vũ trụ, khẳng định rằng mọi hành động đều kéo theo những kết quả tương ứng, dù là tốt hay xấu. Việc giáo dục kiến thức này cho trẻ từ sớm sẽ giúp các em thấm nhuần bài học "gieo nhân nào gặt quả đó".

Khi trẻ hiểu rằng mỗi lời nói, hành động của mình đều sẽ mang lại kết quả nhất định, các em sẽ tự khắc hình thành ý thức về trách nhiệm đối với bản thân và những người xung quanh. Các em sẽ biết "sợ" khi làm điều không đúng, biết suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động và học được cách kiềm chế những cảm xúc tiêu cực.

Không phải là bài học đạo đức khô khan, lý thuyết suông, bài học về nhân quả có thể được truyền tải qua những câu chuyện gần gũi, những ví dụ sinh động, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Các em có thể học về những gì mà lòng tốt có thể đem lại qua những câu chuyện về giúp đỡ người khác, về những hậu quả khủng khiếp của sự ích kỷ, gian dối và bạo lực…

Trẻ được dạy về nhân quả sẽ trở thành công dân tốt khi lớn lên. (Ảnh: Freepik)

Trẻ được dạy về nhân quả sẽ trở thành công dân tốt khi lớn lên. (Ảnh: Freepik)

Việc tiếp xúc sớm với những khái niệm này sẽ giúp các em xây dựng một hệ thống giá trị đạo đức vững chắc, trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động trong cuộc sống.

Kiến thức và kỹ năng chuyên môn vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, những người tài giỏi nhưng có nhận thức lệch lạc về đạo đức và trách nhiệm xã hội có thể trở thành cỗ máy lạnh lùng, chỉ vì hiệu quả mà bất chấp quy chuẩn đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật để đạt mục đích cá nhân.

Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, khiến xã hội ngày càng đi chệch hướng khỏi những giá trị tốt đẹp. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức, dạy "làm người" phải được đặt lên hàng đầu trước khi trang bị kiến thức chuyên môn. Chúng ta cần những công dân có đạo đức trước khi cần những chuyên gia hay nhà quản lý giỏi.

Các thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ về kiến thức và đạo đức, mỗi cá nhân đều ý thức được luật nhân quả và sống theo những giá trị đạo đức cao đẹp sẽ là nền tảng vững chắc cho xã hội nhân văn, tốt đẹp và phát triển bền vững.

Thanh Phong

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/can-day-ve-luat-nhan-qua-cho-hoc-sinh-ngay-tu-bac-tieu-hoc-ar935343.html
Zalo