Học sinh hào hứng với buổi học thực nghiệm giáo dục địa phương tại quận Ba Đình
Với mục tiêu biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương phù hợp với các học sinh cấp tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức buổi dạy thực nghiệm mẫu tại quận Ba Đình.
Ngày 2.2.2023, phòng GD-ĐT quận Ba Đình đã tổ chức tiết dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình Giáo dục phổ thông mới tại trường tiểu học Hoàng Diệu.
Với mục tiêu biên soạn bộ tài liệu Giáo dục địa phương mang đặc trưng của Hà Nội, nội dung phải phù hợp với các học sinh tiểu học trên địa bàn, Sở GD-ĐT Hà Nội và nhóm tác giả chỉ đạo, hướng dẫn trường Tiểu học Hoàng Diệu quận Ba Đình dạy thực nghiệm 2/4 tiết bài Thăng Long Tứ trấn. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm đánh giá mức độ đáp ứng việc nắm bắt nội dung, sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên, tiếp thu kiến thức của học sinh trong thực tiễn, mức độ kiến thức, tính sư phạm, tính khoa học của tài liệu, đồng thời thực nghiệm các hoạt động được tổ chức trong giờ học.
Trong một thời gian ngắn nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch bài dạy, chuẩn bị đồ dùng, tư liệu dạy học, cô giáo Nguyễn Thanh Lan và học sinh lớp 3A5 trường Tiểu học Hoàng Diệu đã thực hiện thành công 2 tiết dạy thực nghiệm. Trong buổi họp đánh giá, Sở GD-ĐT đánh giá cao việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, giúp cho tiết dạy phong phú, gần gũi, tự nhiên, tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Các ý kiến của các giáo viên dự giờ cũng đã được ghi nhận làm tài liệu để sửa đổi ở các tiết học thực nghiệm kế tiếp.
Để việc dạy học tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 được hiệu quả, Sở GD-ĐT đề nghị phòng giáo dục chỉ đạo các trường tiểu học triển khai kế hoạch nghiên cứu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà trường về nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung đổi với tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 để hoàn thiện nội dung bộ tài liệu.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với môn học mới “Nội dung giáo dục địa phương” đã được Bộ GD-ĐT yêu cầu giảng dạy sao cho phù hợp với từng địa phương. Đây là phương pháp dạy học gắn với thực tế hiệu quả, tạo hứng thú học tập cho học sinh và đúng với triết lý viết sách giáo khoa “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, các em càng thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào truyền thống, lịch sử dân tộc… Dạy nội dung giáo dục địa phương gắn với di tích lịch sử văn hóa cần được duy trì phát huy ở các trường học tại các địa phương khác trên cả nước. Nội dung giáo dục địa phương sẽ đảm nhận công việc của địa phương mình để giúp cho học sinh những trải nghiệm cần thiết và bổ ích nhất. Chẳng hạn đối với môn Lịch sử khi học về vùng đất, con người, những nhân vật lịch sử ở địa phương thì thầy và trò có thể đến tận nơi để trải nghiệm.
Việc dạy môn học mới đáp ứng đúng với nội dung giáo dục địa phương là khá khó khăn với các giáo viên bởi lẽ chính các giáo viên hiện nay chưa có tài liệu sẵn. Các học sinh cũng hiểu biết rất ít đối với nơi mình đang học, đặc biệt là đối với các học sinh Hà Nội, nơi có nhiều học sinh nhập cư.