Học sinh Hà Nội hóa thân vào những nhân vật lịch sử kỷ niệm ngày thống nhất đất nước

Sáng 26/4/2025, hòa cùng không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu đã tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc.

Trong đó, một trong những điểm nhấn đặc sắc là chung kết cuộc thi "Nhân vật trong sách bước ra cuộc đời". Tại cuộc thi này, các khối học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 đã hóa thân vào những nhân vật anh hùng của đất nước như Vua Quang Trung, chị Võ Thị Sáu, Lượm (Chú bé liên lạc)… cùng những câu chuyện và nhân vật từ trong trang sách bước ra cuộc đời như “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, “Thuyền trưởng Nemo”, “Hamlet”, “Sherlock Holmes”, “Chí Phèo và Thị Nở”, “Bác Toàn Nha” (Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ), “Xuân Tóc Đỏ”…

Nhân vật từ trang sách bước ra cuộc đời

Với tiêu chí xuyên suốt lấy đạo học của danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu làm kim chỉ nam cho thầy và trò học sinh ngôi trường mang tên vị danh nhân văn hóa này: “Vẫn biết tròn là khôn nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu”, dù có một chặng đường hơn 30 năm bề dày đào tạo, có nhiều học sinh vươn tầm ra thế giới nhưng những bài học trên ghế nhà trường, đặc biệt là bộ môn văn học, vẫn là nền tảng để các con được sống với nhân vật, sự nhân văn và những bài học về tình người, về sự hy sinh quên mình của những anh hùng dân tộc đã xả thân vì một ngày độc lập, tự do của đất nước.

Hình ảnh nhân vật Lượm trên sân khấu với vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, hồn nhiên, vui tươi, dũng cảm luôn sống mãi trong tâm tưởng của đồng bào Huế. "Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ Cái đầu nghênh ngênh". Vào vai nhân vật Lượm với đôi chân thoăn thoắt, đôi má đỏ như trái bồ quân, chiếc mũ ca lô đội lệch của Lượm, bàn chân trần lấm bụi đỏ, chiếc xắc cốt đung đưa theo nhịp chạy thoăn thoắt qua những con đường đầy khói lửa. Giọng nói trong trẻo, tiếng huýt sáo vui tai của cậu khiến cả không gian như dịu lại. Em Tuấn Khanh lớp 6CI6 (vai Lượm) đã chia sẻ: “Em cảm thấy trân trọng và kính yêu nhân vật Lượm, dù còn rất nhỏ, cậu chẳng ngại hiểm nguy, băng qua những làn đạn bay vèo vèo để những bức thư mật được giao an toàn. Lượm đã ngã xuống trên cánh đồng quê hương khi làm nhiệm vụ, nhưng sẽ chẳng bao giờ phai nhòa trong tâm trí của chúng ta. Lượm là hình ảnh tiêu biểu của những thiếu niên yêu nước.

Mỗi tiết mục được học sinh dàn dựng không chỉ là một màn hóa thân, mà còn là hành trình sống cùng nhân vật - sống cùng lịch sử, văn học, bản sắc dân tộc và những giá trị vượt thời gian. Nhân vật Võ Thị Sáu do em Hoàng Minh Khuê - lớp 12AE1 hóa thân, em đã xúc động sau vai diễn, và chia sẻ: Chị Võ Thị Sáu, người anh hùng Đất Đỏ, đã sớm tham gia cách mạng chống thực dân pháp từ khi mới 14 tuổi và đã ngẩng cao đầu khi ra bãi bắn. Sự hi sinh anh dũng của chị đã truyền cảm hứng và tinh thần đấu tranh cho thế hệ trẻ, người con gái ấy đã dâng hiến thanh xuân của mình để làm nên mùa xuân của đất nước. Chúng em là những người con sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình nhưng đọc và tìm hiểu về chị khiến chúng em tự hứa với mình sẽ luôn nỗ lực học tập, cống hiến và dựng xây đất nước để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

Cùng với các nhân vật anh hùng, là các câu chuyện cổ tích và các câu chuyện dân gian nước ngoài được các em học sinh hóa thân trên sân khấu. Lớp 6CI5 với câu chuyện cổ tích Nga "Ông lão đánh cá và con cá vàng". Từ chiếc áo rách, dáng vẻ khắc khổ cho đến nhân vật cá vàng, mụ vợ tham lam và binh lính hống hách, tất cả đã tái hiện sinh động thân phận yếu thế và bài học về lòng biết ơn, công lý trong cuộc sống.

Thầy và trò trường THCS & THPT Nguyễn Siêu tham dự Ngày hội Sách và Văn hóa đọc.

Thầy và trò trường THCS & THPT Nguyễn Siêu tham dự Ngày hội Sách và Văn hóa đọc.

Câu chuyện “Thị Nở - Chí Phèo”, một truyện ngắn của nhà văn Nam Cao đã đi vào đời sống của nhiều thế hệ, để lại những suy ngẫm sâu sắc trong mỗi người đọc đã được em Lê Nguyễn Minh Hoàng - lớp 11AE4 và em Phạm Bá Nam Anh - lớp 11AE4 hóa thân trên sân khấu, với hình ảnh Chí Phèo, Nam Cao - một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa đã thấy được bản tính lương thiện và nỗi thống khổ của người nông dân trước cách mạng. Trên sân khấu của ngày Hội Văn hóa đọc học sinh trường Nguyễn Siêu đã hóa thân thành công với những tiếng cười râm ran cả sân trường, nhưng khoảng lặng đằng sau đó, cũng thể hiện thông điệp: Qua cặp hình tượng nhân vật Chí Phèo – Thị Nở là hai con người khốn khổ của làng Vũ Đại ngày ấy, Nam Cao đã tố cáo hội tàn nhẫn, bất công đương thời, và gửi gắm niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình thương và bản chất lương thiện của con người."

Các câu chuyện như “Thầy bói xem voi” (học sinh khối 7 thể hiện) được tái hiện dí dỏm nhưng sâu sắc, nhắc nhở bài học về tư duy toàn diện và sự tôn trọng khác biệt trong nhận thức. Hay “Thuyền trưởng Nemo” (Hai vạn dặm dưới đáy biển) của các học sinh khối 8 hiện ra đầy bản lĩnh giữa đại dương kỳ bí, còn “Bác Toàn Nha” (Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ) phê phán thói hình thức, háo danh, nêu bật khát vọng sống chân thực, liêm chính.

Hình ảnh Vua Quang Trung, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, trong chiến bào đỏ lửa, dẫn dắt khán giả trở về mùa xuân đại thắng Kỷ Dậu 1789, thổi bùng lòng tự hào dân tộc cũng đã được các học sinh khối 8 thể hiện đầy hào hùng trên sân khấu. Học sinh Khối 9 mang tới bản lĩnh trí tuệ với Hamlet – chàng hoàng tử Đan Mạch day dứt và sâu sắc, và Sherlock Holmes – biểu tượng bất tử của óc suy luận sắc bén, tinh thần khám phá. Khối 10 đưa khán giả tới không gian huyền thoại Tây Nguyên qua sử thi Đăm Săn và Nữ thần Mặt Trời, thắp sáng khát vọng chinh phục, ước mơ tự do của đồng bào Ê-đê. Và tiết mục cuối cùng đầy hài hước và vui nhộn là Xuân Tóc Đỏ một chân dung biếm họa châm biếm xã hội thực dân nửa mùa trong “Số đỏ”. Là một nhân vật điển hình trong tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, một hiện tượng “bom tấn” trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, nhân vật Xuân Tóc Đỏ đã cho chúng ta thấy hành trình của một kẻ nhặt bóng ở sân quần dần dần trở thành một giáo sư quần vợt và cuối cùng là vĩ nhân – một anh hừng cứu quốc trong xã hội Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Xuân tóc đỏ là một chân dung biếm họa không chỉ cho ta thấy sự lố bịch, nhố nhăng về mặt văn hóa mà còn lật tẩy cái rởm, cái giả của phong trào Âu hóa ở xã hội văn minh lúc bấy giờ.

Tiếp nối truyền thống anh bộ đội cụ Hồ

Đại tá, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, người sáng lập nên ngôi trường Nguyễn Siêu, ông đã là một người thương binh, một chiến sĩ vào sinh ra tử tại chiến trường Quảng Trị khói lửa. Trong những ngày đất nước kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, niềm vui của ông là được sống trọn những ngày hòa bình trên giải đất hình chữ S, nhưng trong giây phút bồi hồi xúc động, ông cũng đã nhớ tới những người đồng đội của mình đã nằm lai nơi chiến trường đạn bom. Ông chia sẻ với các thế hệ học sinh rằng: Để có ngày hôm nay thì bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, chình vì thế, các cháu học sinh được sống trong những ngày hòa bình phải bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, bằng việc học tập tốt, chăm ngoan để dựng xây tổ quốc, đưa tổ quốc Việt Nam vang vọng tới năm châu, như một lời tri ân tới những người ngã xuống cho đất nước mạnh giàu.

Những ngày tháng Tư lịch sử với ngày lễ lớn của dân tộc, câu chuyện những em học sinh Hà Nội thủ đô ngàn năm văn hiến đã đưa các nhân vật lịch sử từ trang sách, bước ra cuộc đời, bước vào lòng người. Những nhân vật hôm nay không chỉ sống trong trang sách - mà sống trong mỗi chúng ta, để mỗi bạn đọc, mỗi học sinh soi vào nhân vật, soi vào lịch sử, soi vào cuộc đời để sống và cống hiến vì đất Việt Nam tươi đẹp.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoc-sinh-ha-noi-hoa-than-vao-nhung-nhan-vat-lich-su-ky-niem-ngay-thong-nhat-dat-nuoc-post610247.antd
Zalo