Học hỏi từ sai lầm để trở thành phiên bản tốt hơn trong tương lai

Rút kinh nghiệm từ những sai sót của bản thân, sẽ giúp chúng ta tiến bộ nhanh hơn. Hãy xem sai lầm là một người thầy nghiêm khắc mà bạn may mắn gặp trong cuộc sống.

 Sau những sai lầm, chúng ta rút ra nhiều bài học ý nghĩa. Ảnh: Một cảnh trong phim Gió thổi bán hạ.

Sau những sai lầm, chúng ta rút ra nhiều bài học ý nghĩa. Ảnh: Một cảnh trong phim Gió thổi bán hạ.

Người xưa có câu: “Nhân vô thập toàn”. Cái gọi là hoàn mĩ đa phần chỉ là hoa trong gương, trăng dưới nước.

Trước kia, khi còn là nhân viên văn thư, tôi tự gọi mình là thư kí của thư kí, tức thư kí dự khuyết. Bấy giờ, công ty tôi làm việc là một tập đoàn thời trang quy mô lớn. Số lượng chi nhánh thuộc tập đoàn rất nhiều, trải khắp cả nước. Trụ sở đặt tại thành phố này, xung quanh có rất nhiều cửa hàng bày bán sản phẩm của tập đoàn.

Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của cả tập đoàn. Cấp trên tiến hành kiểm tra thành tích cả năm của các chi nhánh; cấp dưới dốc sức đẩy mạnh doanh số, thu hút khách hàng.

Một ngày giữa tuần, tuyết rơi nhiều, nhà thư kí của sếp lại ở xa, sợ tắc đường nên cô ấy xin nghỉ sớm. Theo kế hoạch, sáng hôm đó sếp đi kiểm tra một vài chi nhánh, buổi chiều ở lại văn phòng giải quyết các công việc khác. Nhưng vì chưa hài lòng với kết quả hoạt động của các chi nhánh đã ghé thăm, sếp thay đổi kế hoạch, tiếp tục đi kiểm tra những chi nhánh khác.

Khi điện thoại nội bộ vừa đổ chuông, trái tim tôi run lên cầm cập. Tôi nghe máy, đầu dây bên kia vang lên tiếng sếp: “Tôi cần đến các chi nhánh của tập đoàn. Cô sắp xếp xe, 10 phút nữa phải có mặt ở sảnh.”

“Vâng thưa sếp.” Tôi vội vàng tìm số điện thoại của bộ phận hậu cần và gọi cho họ nhưng không ai nghe máy. Ở căn phòng bên cạnh, sếp đang thu dọn bàn làm việc để chuẩn bị xuất phát.

Trong lúc hoảng loạn, tôi mạnh bạo gọi trực tiếp cho giám đốc hậu cần: “Tài xế và xe của các anh có đó không? Hãy cử người qua đây đón sếp, sếp muốn đi kiểm tra chi nhánh.” Sắp xếp xong, tôi cúp máy rồi vội vàng chạy đi thông báo với sếp, đúng lúc gặp sếp đang sải bước ra khỏi văn phòng.

Tôi thở phào một hơi, may mà vẫn kịp.

Tiễn sếp xong, trong phòng làm việc chỉ còn lại tôi và một đồng nghiệp khác. Tôi hưng phấn nói với cô ấy: “Sếp đi rồi, thật tốt quá, chúng ta được tự do.”

Trái với sự vui mừng của tôi, cô ấy tỏ ra rất nghiêm túc: “Vừa rồi, khi gọi điện thoại, sao em lại nói với họ là sếp muốn đi kiểm tra chi nhánh? Lỡ họ thông báo cho bên chi nhánh thì sao, như vậy ý nghĩa việc đi kiểm tra của sếp sẽ không còn nữa. Kiểm tra chi nhánh cần thực hiện một cách bất ngờ. Một khi họ có thời gian chuẩn bị, cho dù chỉ là 10 phút, kết quả sẽ khác biệt. Đến lúc đó, những thứ sếp nhìn thấy chỉ là giả.”

Nghe đồng nghiệp nói xong, tôi lặng người. Tôi nhớ lại trước đó thư kí của sếp đã sắp xếp xe và tài xế như thế nào. Đúng là cô ấy chỉ thông báo thời gian và địa điểm, không nhắc đến những chuyện khác.

Lính mới tò te không tránh khỏi việc phạm sai lầm. Thời gian và kinh nghiệm là để tích lũy, chứ không phải để hoang phí. Những thứ vô hình này trải qua thu thập, gia công, hồi tưởng, cuối cùng sẽ trở thành vốn liếng trưởng thành của bạn.

Muôn vật, muôn việc trên đời đều không ngừng biến đổi và tiến lên cùng thời đại. Song, người tính không bằng trời tính. Kế hoạch có hoàn mĩ, thiết kế có hoàn thiện đến mấy vẫn có thể xuất hiện sai sót khiến bạn không kịp trở tay.

Biến cố là điều luôn có thể xảy ra. Việc bạn có thể làm là cố gắng rút kinh nghiệm, trau dồi bản thân qua từng lần sai lầm để bù đắp cho sơ suất ấy. Quá trình này sẽ rất gian nan và vất vả, nhưng nó sẽ giúp bạn bước đi trên con đường tiến gần đến sự hoàn thiện qua từng ngày.

Ngày đêm không nghỉ, lâu bền không ngừng. Hãy tin rằng ánh sáng lúc rạng đông đang ở phía không xa và đợi bạn đến gần.

Liêu Trí Phong/ Bách Việt Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoc-hoi-tu-sai-lam-de-tro-thanh-phien-ban-tot-hon-trong-tuong-lai-post1521808.html
Zalo