Đưa trang văn gần với trang đời

Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Tiết học “nhập vai” thú vị

Trong các hoạt động dạy học môn Ngữ văn ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình), giáo viên giảng dạy ở trường luôn chú ý lồng ghép các nội dung văn hóa dân gian vào các tiết học.

Mới đây, trong tiết dạy về văn hóa quê hương, giáo viên đã giới thiệu cho học sinh về nghệ thuật Kệ Hiệng của người dân làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Kệ Hiệng là loại hình nghệ thuật độc đáo và hiếm có được xem là báu vật riêng của người dân làng Pháp Kệ. Hình thức diễn xướng này kết hợp những ca từ giản dị, đạo cụ quen thuộc như: trống, phách… để truyền tải những suy ngẫm của người dân một cách gần gũi, dễ lưu nhớ.

 Học sinh giao lưu với nghệ nhân dân gian. Ảnh: NVCC

Học sinh giao lưu với nghệ nhân dân gian. Ảnh: NVCC

Từ thời xa xưa, tác phẩm Kệ Hiệng đã truyền tải một cách sâu sắc đạo lý truyền thống của dân tộc. Trong thời kỳ chống xâm lược, Kệ Hiệng còn trở thành vũ khí đấu tranh nhờ những bài tuyên truyền độc đáo, cổ vũ con người chiến đấu. Trong thời bình, Kệ Hiệng tái dựng cuộc sống xây dựng đất nước bằng những lời ca đầy lạc quan, tin tưởngLời ca có sự kết hợp tính giáo huấn của Đạo Nho và triết lý của Phật giáo nhưng lại được thể hiện bằng những ca từ tự nhiên, bình dị làm cho Kệ Hiệng trở nên hấp dẫn theo một cách riêng mà khó có loại hình diễn xướng nào có thể làm được.

Sau khi được trực tiếp nhập vai, hầu hết học sinh đều dễ dàng thuộc lời và giai điệu, có thể sử dụng các nhạc cụ đơn giản để phối hợp. Và điều quan trọng hơn nữa là, sau những tiết học như vậy, các em càng thêm yêu và gắn bó với văn hóa truyền thống nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Đưa văn hóa truyền thống vào tận lớp học với phương pháp trực quan tạo cho học sinh những trải nghiệm sinh động, thúc đẩy sự tương tác, tăng cường khả năng ghi nhớ và ứng dụng kiến thức cho học sinh.

Trao truyền giá trị truyền thống qua dạy văn – học văn

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ra đời chuyển mục tiêu dạy học chú trọng nội dung kiến thức sang phát huy phẩm chất năng lực người học, chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Theo đó, phương pháp, nội dung dạy học cốt lõi đều hướng đến hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; thực hiện phương châm “Học qua làm”.

Dạy học chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn ngoài hệ thống kiến thức cơ bản, nền tảng về văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe. Chương trình được xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Ngoài các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy cơ bản, cốt lõi, thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, chương trình còn có nội dung một số chuyên đề tự chọn (35 tiết/lớp/năm) nhằm đáp ứng yêu cầu cho những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn.

 Giáo viên và học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) chụp ảnh cùng nghệ nhân dân gian. Ảnh: NVCC

Giáo viên và học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) chụp ảnh cùng nghệ nhân dân gian. Ảnh: NVCC

Có thể nói, việc được học thêm các kiến thức bổ trợ trong các chuyên đề song song với chương trình chính khóa đã cung cấp thêm nhiều kiến thức thực tế cho học sinh. Nhất là các chuyên đề về văn hóa truyền thống. Đã từ lâu, câu chuyện xung đột văn hóa truyền thống với cách nghĩ, lối sinh hoạt người trẻ của đã tồn tại khi thói quen sinh hoạt đề cao tự do cá nhân ngày càng đối lập những nếp sinh hoạt, lễ nghi của ông cha. Việc đưa văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa có tính chất bản địa của các dân tộc, của từng vùng miền vào đời sống thông qua dạy học thật không dễ dàng.

Giáo viên đã lồng ghép vào trong các tiết học Ngữ văn và chương trình giáo dục địa phương như: viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam (Ngữ văn 10, Tập 1), Chuyên đề 1 (Chuyên đề Ngữ văn 10), Chủ đề 1: Văn hóa truyền thống (Tài liệu Giáo dục địa phương 10).

Bằng phương pháp dạy học trực quan, giáo viên đã cho các em được nghe, xem các sản phẩm văn hóa truyền thống, được tập thử và sử dụng các nhạc cụ dân tộc để các em có cái nhìn cụ thể hơn về vẻ đẹp đa dạng của văn hóa dân gian đang cần được gìn giữ và bảo tồn.

Với đặc trưng của sáng tạo văn học là phát huy trí tưởng tượng qua lớp vỏ ngôn từ thì việc áp dụng hình thức dạy học trực quan phù hợp trong dạy học sẽ giúp kéo gần khoảng cách giữa trang văn và cuộc đời, để việc học văn trở thành một quá trình khám phá thú vị về thế giới xung quanh, về chính mình và về cuộc đời.

Cô Trần Thị Diệu Thúy - GV Ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-trang-van-gan-voi-trang-doi-post716197.html
Zalo