Hoạt động trong giờ giải lao: Không thể xuê xoa!
Tổ chức tốt hoạt động vui chơi, giải trí trong giờ giải lao sẽ tạo không khí vui vẻ, mang lại tiếng cười giúp cán bộ, chiến sĩ xua tan đi căng thẳng, mệt mỏi sau giờ huấn luyện vất vả. Qua đây, góp phần bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện thể lực cho bộ đội, tăng cường đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh.
Kết thúc giờ huấn luyện bắn súng tiểu liên AK, chiến sĩ thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 3 tham gia giao lưu văn nghệ ngay trên thao trường. Sân khấu đơn giản chỉ là thảm cỏ xanh cùng chiếc loa kéo, hai chiếc micro với các tiết mục “cây nhà lá vườn” của cán bộ, chiến sĩ hát cho nhau nghe nhưng không khí rất sôi nổi. Hào hứng cổ vũ đồng đội, Binh nhì Nguyễn Đức Anh, Tiểu đội 2, Trung đội 17, Đại đội 8, chia sẻ: “Vừa được nghe hạt nhân văn nghệ hát, chúng tôi vừa được giao lưu, hát cho nhau nghe rất vui nhộn. Điều này giúp chúng tôi vơi bớt mệt mỏi của giờ huấn luyện trước đó”.

Bộ đội Lữ đoàn 214 (Quân khu 3) tham gia trò chơi "Nấc thang kiến thức".
Qua tìm hiểu tại một số đơn vị, chúng tôi được biết, giờ giải lao, các đơn vị thường tổ chức cho bộ đội đọc sách, báo, đá cầu, đánh cờ, chơi trò chơi quân sự, trò chơi dân gian, học các bài hát quy định... Một số đơn vị chủ động đổi mới nội dung, đa dạng hình thức với những hoạt động như: Phát huy vai trò của hội phụ nữ tổ chức Chương trình “Bát nước thao trường”; cử đội văn nghệ xung kích ra thao trường hát cho cán bộ, chiến sĩ nghe; thành lập ban nhạc thao trường; vòng quay thao trường; nấc thang kiến thức... thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Tuy nhiên, cũng có đơn vị triển khai chưa nền nếp, tổ chức mang tính hình thức, nửa vời, hiệu quả thấp. Chẳng hạn, có đơn vị tổ chức cho bộ đội đọc sách, báo trong một thời gian dài khiến bộ đội cảm thấy nhàm chán; có đơn vị cả tuần không bổ sung thêm sách, báo mới vào hộp báo thao trường. Cá biệt, có đơn vị không tổ chức hoạt động vui chơi, để bộ đội nghỉ tự do trong giờ giải lao. Nguyên nhân chính của tình trạng này trước hết vẫn do cấp ủy, chỉ huy các cấp chưa thực sự quan tâm, coi trọng đúng mức. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trung đội, đại đội còn thiếu kỹ năng tổ chức hoạt động vui chơi cho bộ đội trong giờ nghỉ. Nguyên nhân khách quan là do thời gian nghỉ giữa các tiết học ngắn, chỉ khoảng 10 phút cũng chi phối đến việc tổ chức hoạt động vui chơi, nhất là một số hoạt động đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị công phu. Ví dụ: Khi tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ trên thao trường sẽ mất khoảng thời gian nhất định để làm công tác chuẩn bị. Trong khi đó, thời gian nghỉ giải lao ngắn nên chuẩn bị xong, cán bộ, chiến sĩ hát được một, hai bài đã hết giờ, khiến cuộc vui không trọn vẹn.
Theo Thượng tá Trần Kim Trọng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395 (Quân khu 3), việc tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí giữa các giờ huấn luyện diễn ra thường xuyên, hằng ngày. Vì thế, chỉ huy các cấp phải chủ động đổi mới nội dung, kết hợp đa dạng hình thức tổ chức để tránh nhàm chán, tạo sự hứng thú, thu hút bộ đội tham gia. Người chỉ huy cũng cần lưu ý, nội dung huấn luyện, điều kiện thời tiết sẽ chi phối, ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức các hoạt động trong giờ nghỉ giải lao nên cần linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức vui chơi, giải trí phù hợp. “Đối với một số nội dung huấn luyện trên thao trường như tập chiến thuật hay huấn luyện thể lực tiêu tốn nhiều sức khỏe của bộ đội thì khi nghỉ giải lao nên tổ chức hoạt động nhẹ nhàng, vui nhộn hoặc đọc sách, báo, giao lưu văn hóa-văn nghệ. Riêng các trò chơi quân sự, trò chơi dân gian nên tổ chức khi bộ đội tham gia huấn luyện các nội dung có cường độ thấp như học lý thuyết, tập Điều lệnh đội ngũ và nên tổ chức vào đầu giờ buổi sáng, cuối buổi chiều khi thời tiết mát mẻ sẽ thu hút bộ đội tham gia”, Thượng tá Trần Kim Trọng gợi ý.
Từ thực tế nhiệm vụ, Trung úy Lê Hồng Sơn, Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395) cho rằng, trong một buổi huấn luyện có nhiều khoảng thời gian nghỉ giữa giờ thì cán bộ các cấp nên căn cứ tình hình cụ thể để lựa chọn, tổ chức hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi sao cho phù hợp. Theo đó, chỉ huy nên lựa chọn khoảng hai giờ nghỉ giải lao đầu buổi sáng và cuối buổi chiều để tổ chức hoạt động sôi nổi như giao lưu văn nghệ, chơi trò chơi. Những giờ nghỉ giải lao còn lại nên tổ chức một số hoạt động phổ biến, dễ triển khai như đọc sách, báo, đánh cờ, nghe nhạc. Ngoài ra, các đơn vị có thao trường dùng chung có thể cùng phối hợp để tổ chức hoạt động vui chơi cho bộ đội trong giờ nghỉ giải lao, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó.
Từ nguyên nhân chính đã đề cập, chúng tôi cho rằng, để hoạt động giờ giải lao sinh động, hấp dẫn thì đội ngũ cán bộ, nhất là chính trị viên, chính trị viên phó cấp đại đội, tiểu đoàn giữ vai trò quyết định. Các đồng chí này cần chủ động xây dựng kế hoạch, bám nắm thao trường để tổ chức hoạt động giờ nghỉ cho bộ đội. Các hoạt động cần triển khai phù hợp với tâm lý, sở thích của tuổi trẻ để thu hút cán bộ, chiến sĩ hăng hái tham gia. Ngoài ra, cán bộ các cấp phải tranh thủ giờ nghỉ giải lao thường xuyên gần gũi, động viên, nắm bắt tâm tư của bộ đội; đồng thời, làm tốt công tác cổ động thao trường để cổ vũ, động viên, tiếp thêm năng lượng cho cán bộ, chiến sĩ tích cực luyện rèn đạt kết quả cao.
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN
-----------------------------------------------------------------------------
Tâm tình - Kiến nghị
Chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn
Chúng tôi nắm bắt nhu cầu, sở thích của bộ đội thông qua các buổi sinh hoạt, trò chuyện hoặc phiếu khảo sát nhanh để tìm hiểu về sở thích, năng khiếu của anh em, từ đó xây dựng các hoạt động phù hợp trong giờ giải lao trên thao trường, đáp ứng được mong muốn của đa số cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công trách nhiệm chuẩn bị, tổ chức cho các bộ phận, cá nhân; phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên trong xây dựng ý tưởng và triển khai các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Khuyến khích cán bộ các cấp gương mẫu tham gia các hoạt động cùng chiến sĩ để tạo không khí gần gũi, đoàn kết, khích lệ tinh thần bộ đội. Đồng thời, từng bước đầu tư, trang bị các dụng cụ thể dục-thể thao đơn giản hay sách, báo, phương tiện nghe nhìn phục vụ cho các hoạt động giải lao. Tổ chức tốt các hoạt động trong giờ giải lao đem lại ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp bộ đội bớt căng thẳng, mệt mỏi, thư giãn về tinh thần và thể chất, tái tạo năng lượng để tiếp tục nhiệm vụ. Tạo cơ hội để cán bộ, chiến sĩ giao lưu, học hỏi, hiểu biết lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ đồng chí, đồng đội đoàn kết, gắn bó.

Chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 (Quân khu 2) đọc sách, báo trong giờ giải lao. Ảnh: TRẦN HÀO
Hiện tại, đơn vị tôi vẫn còn một số bất cập, khó khăn khi tổ chức hoạt động trong giờ giải lao như: Hệ thống thao trường còn chật hẹp, cách xa đơn vị làm hạn chế không gian và thời gian tổ chức các hoạt động vui chơi, đặc biệt là các trò chơi vận động. Do yêu cầu về thời gian và khối lượng huấn luyện theo chương trình nên thời gian giải lao giữa các giờ huấn luyện thường ngắn, đôi khi không đủ để triển khai các hoạt động phức tạp hoặc đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho các hoạt động thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ còn thiếu do nguồn kinh phí hạn hẹp, chưa được đầu tư đồng bộ. Đôi khi, một số cán bộ, chiến sĩ còn thụ động, chưa tích cực tham gia vào việc xây dựng ý tưởng và tổ chức các hoạt động. Để khắc phục những khó khăn trên, chúng tôi tận dụng tối đa thời gian giải lao, ưu tiên các hoạt động ngắn gọn, linh hoạt và tổ chức các hoạt động quy mô lớn hơn vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ cuối tuần. Từng bước đầu tư, mua sắm trang thiết bị cần thiết và phát huy tinh thần tự lực tự cường, tận dụng các vật liệu sẵn có để làm đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho các hoạt động.
Đại úy LÊ KHÁNH DUY (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355, Quân khu 2)
------------------------------------------------------------------------
Rất hữu ích nếu tổ chức tốt
Theo cảm nhận của tôi, các hoạt động trong giờ giải lao do chỉ huy đơn vị tổ chức khá đa dạng. Chỉ huy các cấp thường xuyên đổi mới cách tổ chức nên chúng tôi tham gia rất hào hứng. Có ngày thì kể chuyện truyền thống, gương cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của đơn vị; có bữa thì đố vui kiến thức quân sự, pháp luật; hát tập thể, giao lưu văn nghệ; trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ... Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng những hoạt động này luôn mang lại nhiều ý nghĩa với tôi. Khi nghe chuyện truyền thống, những câu chuyện cảm động về người lính, tôi càng thêm tự hào khi được khoác lên mình màu xanh áo lính và thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ được giao. Hoạt động tập thể giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn, tạo nên bầu không khí thân tình, đoàn kết.

Bộ đội Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9 chơi đua thuyền trên cạn trong ngày nghỉ. Ảnh: VĂN PHÚC
Tuy nhiên, cũng phải nói thật là đôi lúc các hoạt động này còn hơi đơn điệu. Một số nội dung lặp lại khiến không khí chùng xuống, nhất là vào những ngày huấn luyện nắng gắt, mệt mỏi. Nguyên nhân cũng còn do thời gian nghỉ giải lao ngắn, địa hình thao trường không thuận lợi nên chưa tổ chức được nhiều hình thức mới lạ. Hoạt động giờ giải lao rất hữu ích, nếu được quan tâm đầu tư thêm, có sự sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn, không bị nhàm chán mà còn góp phần nâng cao tinh thần, giữ lửa cho bộ đội trong suốt quá trình huấn luyện. Tôi mong muốn sẽ được vui chơi văn hóa-văn nghệ, chuyền nón vòng tròn và nâng tạ theo yêu cầu của các đồng chí, trò chơi “tôi bảo tôi bảo, bảo gì bảo gì”.