Gặp gỡ đầu tuần: Tăng cường phối hợp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Nam Thắng.
Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ góp phần phòng ngừa tai nạn thương tích (TNTT), đuối nước, xâm hại trẻ em; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Hướng đến Tháng Hành động vì trẻ em năm 2025, nhất là kỳ nghỉ hè đang đến gần, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH NAM THẮNG, Phó giám đốc Sở Y tế, về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Mới nhất là Chỉ thị 02/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2024, UBND tỉnh còn ban hành Kế hoạch 220/KH-UBND triển khai Kế hoạch số 344-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 28-CT/TU của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo số liệu từ Sở Y tế, trong năm 2024, Đồng Nai xảy ra 13 vụ TNTT khiến trẻ tử vong, trong đó có 8 trẻ bị đuối nước, 4 vụ tai nạn giao thông và 1 vụ té giếng khô.
Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch về tổ chức thực hiện Tháng Hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh, tổ chức diễn đàn trẻ em…; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tuyên truyền, hỗ trợ và can thiệp các trường hợp trẻ bị xâm hại, TNTT...
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như thế nào, thưa ông?
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các ngành, các cấp đã chủ động triển khai và phối hợp tổ chức các hoạt động góp phần bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, với vai trò quản lý nhà nước về trẻ em, Sở Lao động, thương binh và xã hội (cũ) nay nhập một phần về Sở Y tế đã phối hợp với ngành giáo dục, văn hóa, thông tin - truyền thông; công an, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh… tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT, đuối nước, xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra về tình hình chỉ đạo điều hành, triển khai công tác trẻ em, qua đó hướng dẫn nhắc nhở các địa phương tiếp tục thực hiện công tác phòng ngừa TNTT, đuối nước cho trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Các huyện, thành phố và cơ sở đã chủ động ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí, chỉ đạo các ngành, đoàn thể tham gia vào công tác này, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tăng cường tổ chức các sân chơi bổ ích trong dịp hè để trẻ tham gia, góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Trong ảnh: Trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi sau Lễ Khai mạc hè tỉnh năm 2024. Ảnh: N.Sơn
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn Đồng Nai đã đạt được kết quả như thế nào?
- Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, trẻ em được chăm lo cả về sức khỏe, vật chất, tinh thần. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho gần 4 ngàn trẻ khuyết tật, 355 trẻ không có nguồn nuôi dưỡng và trên 400 trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội và các cơ sở bảo trợ xã hội; trao tặng quà, học bổng cho hàng ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, Tết. Trong trường học, trẻ được theo dõi sức khỏe, dinh dưỡng; được khám, chữa bệnh, tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng; được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí…
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kỹ năng phòng ngừa trẻ vi phạm pháp luật; phòng, chống TNTT, đuối nước cho giáo viên, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em… Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; giúp trẻ em biết cách tự bảo vệ mình, hạn chế tới mức thấp nhất TNTT, đuối nước.
Đảm bảo an toàn cho trẻ em dịp hè
Mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Ông có thể chia sẻ thêm về những hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em?
- Một trong những hạn chế mà chúng tôi luôn đau đáu đó là tình trạng trẻ bị TNTT, đuối nước, xâm hại vẫn còn xảy ra. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân đến từ việc một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em dẫn đến chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa thường xuyên kiểm tra, rà soát để cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, như: ao, hồ, sông, suối, hố công trình, dụng cụ chứa nước dẫn đến trẻ bị đuối nước, TNTT. Trong gia đình, một số phụ huynh, người chăm sóc trẻ còn chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ nên khi xảy ra sự việc không kịp thời phát hiện. Trong khi đó, môi trường sống xung quanh trẻ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT, đuối nước.

Các em thiếu nhi được giới thiệu về áo phản quang, loại áo các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tại Chương trình Em làm chiến sĩ công an nhân dân do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Nga Sơn
Kỳ nghỉ hè sắp đến, nguy cơ trẻ bị TNTT, đuối nước thường cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Theo ông, cần có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè? Sở Y tế dự kiến sẽ có hoạt động gì dành cho trẻ em?
- Hiện tại, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổ chức Tháng Hành động vì trẻ em năm 2025. Trong đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tổ chức phát động Tháng Hành động vì trẻ em và tổ chức các hoạt động trong tháng hành động.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè và thời gian tới, tôi cho rằng cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống TNTT trẻ em nói riêng. Bên cạnh triển khai có hiệu quả chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em, ngay thời điểm này, các ngành, các cấp cần rà soát lại địa bàn và có biện pháp cải tạo, cảnh báo cho người dân và trẻ em về những khu vực tiềm ẩn nguy cơ. Công tác tuyên truyền vẫn tiếp tục nhưng phải đúng đối tượng, không dàn trải. Tổ chức Đoàn, Đội phối hợp với nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dịp hè để trẻ vui chơi an toàn…
Ngành y tế trong hè này sẽ phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động, như: ngày hội tuổi thơ, trại hè và các hội thi dành cho trẻ…
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ trong gia đình đóng vai trò quan trọng. Vậy theo ông, gia đình cần làm gì để đem lại cho trẻ một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn?
- Mỗi gia đình thông thường sẽ có từ 1-2 con do đó việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ từ gia đình sẽ thuận lợi hơn. Việc chủ động phòng ngừa ngay từ gia đình là yếu tố then chốt để hạn chế tình trạng trẻ bị TNTT. Tôi cho rằng, để bảo vệ trẻ, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ luôn để trẻ trong tầm kiểm soát, không để trẻ đi bơi ở những nơi không an toàn, chơi một mình ở nơi vắng vẻ hoặc khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, chủ động đầu tư, khuyến khích trẻ tham gia các lớp năng khiếu dịp hè; các lớp kỹ năng, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước các tình huống nguy hiểm, trên không gian mạng…