Hoạt động mua bán, tiêu dùng sôi động trở lại

Tại Hà Nội, sang đến ngày 1-2 (tức là ngày mồng 4 Tết), hàng hóa ở chợ tương đối dồi dào, giá cả các mặt hàng rau, củ, quả giữ ổn định, người dân đi chợ mua bán chưa đông.

Thị trường hàng hóa, bánh, mứt, kẹo; hoa quả trái cây; hoa tươi, cây cảnh trong các ngày mồng 3, mồng 4 Tết Ất Tỵ 2025 không có sự biến động lớn về giá so với ngày trước tết, có xu thế ổn định và tăng nhẹ, thị trường mua bán đã dần sôi động trở lại sau ngày mồng 3 Tết khi người dân đi chơi Tết và đi lễ đầu xuân. Giá dịch vụ y tế, giao thông cơ bản bình ổn, không có hiện tượng tăng hoặc điều chỉnh giá bất hợp lý.

Theo Bộ Tài chính, từ ngày mồng 3 Tết, nhiều chợ truyền thống và siêu thị tiện ích, trung tâm thương mại tại các thành phố trên cả nước đã mở cửa bán hàng. Đến ngày mồng 4 Tết, hầu hết các chợ, trung tâm thương mại đã mở cửa, hoạt động mua bán đang dần trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu nhu cầu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...

 Người dân mua sắm hàng hóa tại trung tâm thương mại Lotte Mall Hồ Tây.

Người dân mua sắm hàng hóa tại trung tâm thương mại Lotte Mall Hồ Tây.

Có mặt tại các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như: Lotte Mall Hồ Tây, Royal City, hệ thống Aeon…, nhiều khách hàng đến đây để mua sắm, sử dụng các dịch vụ giải trí ngay tại trung tâm thương mại. Các gian hàng đều mở cửa, cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách hàng.

Ghi nhận của phóng viên tại thành phố Hà Nội, một số cửa hàng kinh doanh cà phê, nước giải khát khu vực gần hồ Hoàn Kiếm, phố Nhà Thờ… cho thấy ngoài mức giá phục vụ như ngày thường thì có thu thêm phụ phí phục vụ cho ngày Tết với mức phí 5% trên tổng hóa đơn. Giá dịch vụ trông giữ xe do tư nhân thực hiện tăng khoảng gần 70% với lý do phục vụ trong dịp Tết nên chi phí cao hơn ngày thường.

 Nhiều người dân gặp mặt đầu xuân năm mới tại các quán cà phê, giải khát.

Nhiều người dân gặp mặt đầu xuân năm mới tại các quán cà phê, giải khát.

Bộ Tài chính đánh giá, từ ngày mồng 4 Tết, thị trường dần trở lại gần như bình thường, nhiều hoạt động mua bán, tiêu dùng sôi động do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Đối với sau Tết và cả năm 2025,bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá; trong đó Bộ Tài chính và các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tập trung các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 như sau:

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, tổ chức tốt các kênh phân phối, chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, khai thác tối đa thị trường trong nước. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả trong nước.

Chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, phấn đấu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2025 theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường: các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chế độ báo cáo giá thị trường định kỳ hằng tháng, quý, năm và đột xuất.

Tiếp tục rà soát để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các hộ nghèo và các gia đình khó khăn...

Bài, ảnh: ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hoat-dong-mua-ban-tieu-dung-soi-dong-tro-lai-814022
Zalo