Hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 17-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đề xuất cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Theo dự thảo luật, đối tượng áp dụng là đại diện chủ sở hữu nhà nước; doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ (trừ Ngân hàng chính sách).

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Đáng chú ý, theo điều 5 của dự thảo luật, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp và các chức danh quản lý khác theo điều lệ công ty.

Bên cạnh đó, việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi, dự thảo luật đã cơ bản bảo đảm mục đích, quan điểm trong xây dựng luật. Cơ bản kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện quy định để giải quyết bất cập, vướng mắc của luật hiện hành; giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp; vấn đề tiền lương, thù lao; quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; việc giám sát, kiểm tra hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi luật lần này cần tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay. Việc quản lý, đầu tư phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, việc sửa đổi luật cần quy định rõ hơn về cổ phần hóa, thoái vốn để bảo đảm tài sản nhà nước không thất thoát; bên cạnh đó, cần quan tâm đến chế độ tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cơ quan soạn thảo tiếp tục quan tâm đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, cơ chế giám sát, vai trò của tổng công ty quản lý vốn đầu tư, bảo đảm khả thi, minh bạch, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đồng thời mong muốn, việc sửa đổi luật phải mạnh mẽ, bứt phá hơn để thuyết phục Quốc hội thông qua tại một kỳ họp.

Làm rõ tác động của Trung tâm Tài chính quốc tế

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT gồm 6 chương và 36 điều, trong đó quy định về việc thành lập, cơ cấu tổ chức và vận hành TTTCQT; các sàn giao dịch và nền tảng giao dịch tại TTTCQT; các chính sách đặc thù áp dụng trong TTTCQT.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho ý kiến về dự thảo nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho ý kiến về dự thảo nghị quyết.

Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá cụ thể hơn về mặt tích cực cũng như thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; làm rõ hơn tác động mang lại khi có TTTCQT; những kinh nghiệm quốc tế nào được cho là phù hợp để vận dụng vào thực tế tại Việt Nam; đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam?

Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện dự thảo nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về đủ điều kiện, chất lượng văn bản, quy trình, tiến độ để trình Quốc hội xem xét theo quy định của pháp luật.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hoan-thien-the-che-de-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-824409
Zalo