Hoàn thiện pháp lý cho đổi mới sáng tạo

Những năm gần đây, Đà Nẵng trở thành một điểm sáng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Thành phố không ngừng nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển hệ sinh thái này với sự hình thành và phát triển của các tổ chức hỗ trợ, cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đây là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình của Đà Nẵng, trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Chú trọng xây dựng hệ sinh thái

Một trong những dấu ấn quan trọng trong nỗ lực này là sự ra đời của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội vào ngày 26/6/2024. Nghị quyết này đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù trong lĩnh vực khoa học công nghệ và ĐMST. Đặc biệt, các chính sách về miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp đối với các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích chuyển nhượng cổ phần, vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam có thêm những doanh nghiệp ĐMST mang tầm quốc tế.

Việc hoàn thiện các cơ chế pháp lý, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một nhiệm vụ cấp bách

Việc hoàn thiện các cơ chế pháp lý, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một nhiệm vụ cấp bách

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý, mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo nhằm hoàn thiện các quy định pháp lý cho hệ sinh thái này. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chính sách thống nhất, đồng bộ và dễ thực hiện.

Ông Minh cho rằng, để phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam cần đưa ra nhiều chiến lược quan trọng, bao gồm việc phát triển các cơ chế tài chính như quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần, cũng như các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Các biện pháp này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn mà còn khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường mối liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp.

Thành quả và các thách thức cần vượt qua

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có những bước phát triển ấn tượng trong những năm qua. Năm 2022, Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 54 trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, một dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Tính đến năm 2023, cả nước có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, cùng với hơn 200 quỹ đầu tư và hơn 80 vườn ươm. Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Tuy nhiên, theo ông Minh, vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo thực sự trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế. Các chính sách hiện chưa hoàn toàn đồng bộ, vẫn còn nhiều điểm nghẽn về tư duy và thể chế trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cần phải có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cùng với việc phát triển các cơ chế và chính sách mới để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng đã tiên phong trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp đối với các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo và khuyến khích thử nghiệm công nghệ mới. Những chính sách này không chỉ giúp giải quyết các khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải, mà còn thúc đẩy sự ĐMST trong cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cũng cho rằng, hiện còn nhiều thách thức về tư duy và nhận thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Vì vậy, việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế trong thời gian tới là rất quan trọng để có thể phát huy tối đa tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Bà Thi cũng kỳ vọng các chính sách mới sẽ mang tính đột phá, thúc đẩy sự sáng tạo và nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần đưa các thành tựu khoa học, giải pháp công nghệ vào thực tiễn và trở thành động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển, việc hoàn thiện các cơ chế pháp lý, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một nhiệm vụ cấp bách. Chính phủ cần tiếp tục đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật và đưa ra các chính sách khuyến khích mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp ĐMST.

Công Thái

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoan-thien-phap-ly-cho-doi-moi-sang-tao-160690.html
Zalo