Hoàn thiện pháp luật bảo đảm bình đẳng trong tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của nhiều quốc gia.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho tất cả mọi người một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử được thể hiện rõ trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, là một bước tiến lớn trong việc xây dựng một xã hội đoàn kết, đa dạng và thống nhất.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho tất cả mọi người một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử được thể hiện rõ trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam.
Bước tiến trong xác lập địa vị pháp lý của các tổ chức tôn giáo
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 được ban hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy và cách tiếp cận mới của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực tôn giáo. Đây chính là sự cụ thể hóa rõ nét quan điểm đột phá về tín ngưỡng, tôn giáo, được thể hiện qua các khía cạnh nổi bật sau:
Thứ nhất, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 với các quy định rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận, bảo đảm việc phân định cụ thể đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Luật cũng hài hòa hóa với hệ thống pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Bộ luật Hình sự và Luật Cư trú…
Đồng thời, luật mang đậm bản sắc Việt Nam trong từng quy định, nhưng vẫn mang tính quốc tế khi mở rộng phạm vi áp dụng từ “công dân” sang “mọi người”. Đặc biệt, luật còn công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo, góp phần cụ thể hóa nguyên tắc không phân biệt đối xử về tôn giáo, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Tuyên bố về loại bỏ mọi hình thức bất khoan dung và phân biệt đối xử về tôn giáo hay tín ngưỡng.
Thứ hai, Luật không chỉ nhìn nhận tôn giáo như một lĩnh vực văn hóa, mà còn là công cụ quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Luật khuyến khích tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội hóa, đồng thời xem việc tham gia vào các hoạt động kinh tế phi thương mại là quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo.
Thứ ba, luật nhấn mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với tôn giáo, với định hướng giảm thiểu sự can thiệp vào nội bộ các tổ chức tôn giáo. Tại Việt Nam, nguyên tắc thế tục được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, khi Nhà nước vừa bảo đảm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, vừa bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật.
Đặc biệt, so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 thì Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã đơn giản hóa cơ chế quản lý nhà nước, khi nhiều hoạt động của các tổ chức tôn giáo chỉ cần thông báo thay vì phải xin phép.
Thứ tư, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 khẳng định rõ ràng tư cách pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tôn giáo được công nhận quyền sở hữu tài sản, tham gia vào các hoạt động kinh tế phi thương mại và được bảo đảm các quyền lợi pháp lý tương ứng.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xác lập địa vị pháp lý của các tổ chức tôn giáo. Việc khẳng định tư cách pháp nhân phi thương mại cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia một cách chính thức và hợp pháp vào các hoạt động xã hội, văn hóa, và từ thiện, đồng thời tạo cơ hội khai thác các nguồn lực tôn giáo để phục vụ cộng đồng.

Đoàn phóng viên nước ngoài thăm nơi giáo dân Đắk Lắk sinh hoạt tôn giáo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là một quyền dân sự mà còn được công nhận là quyền con người, không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính hay độ tuổi. Và trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng đề cập đến bằng các thuật ngữ “mọi người”, “mỗi người” thể hiện sự ghi nhận bình đẳng đối với tất cả các cá nhân, không có sự phân biệt đối xử nào.
Mặc dù vậy, đối với một số chủ thể yếu thế, ở vị trí lệ thuộc, có nguy cơ bị phân biệt đối xử hoặc bị hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan khác đã đưa ra những quy định riêng, nhấn mạnh để bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của họ.
“Bình đẳng” giữa các chủ thể. Trong quan hệ quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, Điều 22 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 khẳng định rằng: “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau”. Quy định này thể hiện sự quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do cá nhân trong quan hệ gia đình, góp phần xây dựng một nền tảng hôn nhân bình đẳng và hài hòa.
Hay đối với trẻ em, Điều 19 Luật Trẻ em năm 2016 nhấn mạnh: “Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Điều khoản này không chỉ công nhận quyền của trẻ em mà còn yêu cầu sự bảo vệ đặc biệt để bảo đảm việc thực thi quyền đó không bị xâm phạm.
Đối với nhóm đối tượng đang bị giam giữ hoặc quản lý, khoản 5 Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.
Việc thực hiện quyền này được cụ thể hóa qua Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, cũng như được ghi nhận tại điểm i khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, nhằm bảo đảm quyền tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân. Có thể thấy rằng, việc nhấn mạnh bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho các nhóm dễ bị tổn thương là rất cần thiết. Bởi, hệ thống các quy phạm và cơ chế về quyền con người nói chung có thể không đủ, thậm chí không phù hợp nếu áp dụng máy móc với các nhóm dễ bị tổn thương.

Đoàn rước kiệu của các xã, thị trấn thuộc vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. (Nguồn: TTXVN)
Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, Điều 8 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 xác định: “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Quy định này đặt ra nguyên tắc công nhận và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài, tương tự như công dân Việt Nam.
“Bình đẳng” giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo. Công dân, dù theo hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguyên tắc này trong thực tiễn vẫn gặp khó khăn, đặc biệt ở các địa phương có sự khác biệt lớn về văn hóa, phong tục. Một số cộng đồng có tín ngưỡng truyền thống đôi khi cảm thấy bị thiệt thòi so với các nhóm tôn giáo có tổ chức chặt chẽ. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có các chính sách cụ thể hơn để thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm tín ngưỡng và bảo đảm rằng không ai bị phân biệt đối xử vì niềm tin hoặc quan điểm tôn giáo.
“Bình đẳng” giữa các tôn giáo. Một trong những điểm mới quan trọng trong chính sách pháp luật Việt Nam là bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo.
Tuy vậy, trong thực tế, các tôn giáo lớn với tổ chức và nguồn lực mạnh mẽ thường có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện quyền của mình. Ngược lại, các nhóm tôn giáo nhỏ hoặc mới xuất hiện gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt trong việc đăng ký tư cách pháp nhân hoặc xin phép tổ chức các hoạt động tôn giáo. Pháp luật, dù đã quy định nguyên tắc bình đẳng, cần được hoàn thiện thêm để bảo vệ quyền lợi của các nhóm tôn giáo nhỏ, tránh tình trạng bất bình đẳng trên thực tế.
“Bình đẳng” trong công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo. Điều này được minh chứng bằng quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Việc khẳng định tư cách pháp nhân phi thương mại cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia một cách chính thức và hợp pháp vào các hoạt động xã hội, văn hóa, và từ thiện, Luật cũng thể hiện quan điểm hiện đại, tiến bộ khi công nhận rằng tôn giáo không chỉ là một khía cạnh tinh thần mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sự gắn kết xã hội, nâng cao đời sống văn hóa và đạo đức của cộng đồng.
Sự thay đổi này không chỉ là một bước chuyển trong tư duy pháp lý mà còn mang ý nghĩa lớn trong thực tiễn quản lý nhà nước, khi xem tôn giáo như một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức tôn giáo phát huy tối đa vai trò và tiềm năng của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế này vẫn còn một số hạn chế. Thời gian xét duyệt hồ sơ, yêu cầu về giấy tờ hoặc sự thiếu minh bạch trong quy trình công nhận đôi khi gây khó khăn cho các tổ chức tôn giáo, đặc biệt ở cấp địa phương. Để bảo đảm bình đẳng thực chất, cần tăng cường giám sát và cải thiện quy trình hành chính liên quan đến việc công nhận tư cách pháp nhân.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.
Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đảm bảo bình đẳng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng vẫn còn những khoảng trống cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tốt hơn quyền này:
Một là, cần làm rõ hơn vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với các tổ chức tôn giáo: Pháp luật hiện hành nhấn mạnh sự tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, nhưng chưa có quy định đầy đủ về trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng.
Hai là, tăng cường sự minh bạch và công khai trong thực thi pháp luật: Các quy trình liên quan đến việc công nhận tổ chức tôn giáo hoặc giải quyết tranh chấp giữa các tôn giáo cần được minh bạch hơn để bảo đảm sự công bằng tuyệt đối.
Ba là, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức xã hội: Để duy trì bình đẳng thực chất, cần đẩy mạnh giáo dục pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng, nhằm xóa bỏ các định kiến hoặc sự kỳ thị đối với một số tôn giáo.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được coi là một trong những quyền cơ bản và thiêng liêng của con người, gắn liền với phẩm giá và tự do cá nhân. Từ tư tưởng nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn đề cao vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống văn hóa và xã hội, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, cũng như các cơ chế cần thiết nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất để người dân được thực hiện quyền này.
Việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ phản ánh trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng các quyền con người mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo nên nền tảng vững chắc để phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền, và đối phó với những thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 khẳng định rõ ràng tư cách pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tôn giáo được công nhận quyền sở hữu tài sản, tham gia vào các hoạt động kinh tế phi thương mại và được bảo đảm các quyền lợi pháp lý tương ứng. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xác lập địa vị pháp lý của các tổ chức tôn giáo.