Hoàn thiện mô hình tòa án 3 cấp, tinh gọn, hiệu quả, gần dân
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5/2025, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật

Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên thảo luận ở tổ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chiều 12/5, các đại biểu Quốc hội đề nghị hoàn thiện mô hình tòa án 3 cấp, vừa tinh gọn hiệu quả, vừa gần dân.
Rà soát các nội dung chưa phù hợp thực tiễn
Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đánh giá, dự án luật phù hợp với mô hình tổ chức mới của Tòa án, thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện.
Đại biểu Trần Thị Vân đồng ý với chủ trương điều chỉnh chuyển thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức hòa giải của Tòa án nhân dân cấp tỉnh sang Tòa án nhân dân khu vực để phù hợp với thực tiễn công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân.
Tuy nhiên, để sửa đổi bổ sung toàn diện 5 luật: Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, cần có thời gian để rà soát các nội dung chưa phù hợp với thực tiễn trong thời gian vừa qua; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng để xem xét sửa đổi, bổ sung các luật một cách toàn diện, phù hợp với thực tiễn.
Về chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, để bao quát đầy đủ và toàn diện các đối tượng, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi bổ sung khoản 4, Điều 41 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định về Chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền: “Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết”; đồng thời đề nghị rà soát, sửa đổi toàn diện, bỏ cụm từ “Tòa án nhân dân cấp cao” tại những điều khoản không đưa vào dự thảo Luật.
Liên quan đến thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị sửa lại: “Chánh án Tòa án nhân dân khu vực có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp xã phường; báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp tỉnh; báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương”.
Đảm bảo tòa án sau sáp nhập vẫn “gần dân, sát dân”
Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết, dự thảo Luật sắp xếp lại hệ thống Tòa án theo mô hình 3 cấp, không tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện, thành lập Tòa án nhân dân khu vực trên cơ sở gộp các tòa cấp huyện. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định biện pháp đảm bảo tòa án sau sáp nhập vẫn “gần dân, sát dân” như yêu cầu đặt ra. Người dân ở huyện không đặt trụ sở Tòa án nhân dân khu vực có thể phải di chuyển xa hơn để tham gia tố tụng, gây bất tiện.
Đại biểu Trần Văn Khải đề xuất bổ sung điều khoản yêu cầu Tòa án nhân dân khu vực mở văn phòng hoặc điểm xét xử tại các địa bàn không đặt trụ sở chính hoặc tổ chức các phiên tòa lưu động định kỳ. Quy định này sẽ đảm bảo người dân địa phương vẫn giải quyết vụ việc thuận tiện tại nơi cư trú. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về biên chế, số lượng thẩm phán tại Tòa án cấp tỉnh (và khu vực) tương ứng với nhiệm vụ mở rộng. Đại biểu nêu đề xuất, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh số lượng thẩm phán tối thiểu cho mỗi Tòa cấp tỉnh trên cơ sở khối lượng án phải giải quyết, nhằm bảo đảm tòa án cấp tỉnh đủ nhân lực thực hiện tốt chức năng mới. Những điều chỉnh này sẽ hoàn thiện mô hình tòa án 3 cấp đảm bảo tinh gọn hiệu quả, giữ được sự tiếp cận công lý gần dân.
Góp ý về ứng dụng công nghệ thông tin trong tố tụng và quản lý, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, hệ thống pháp luật tố tụng hiện hành chưa theo kịp xu hướng số hóa. Chẳng hạn, Bộ luật Tố tụng dân sự và hình sự chưa có quy định về nộp đơn khởi kiện, đơn kháng cáo bằng phương tiện điện tử, chưa đề cập đến việc xét xử trực tuyến. Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến như một giải pháp tạm thời, cho thấy khoảng trống pháp lý trong vấn đề này. Dự thảo cần bổ sung các quy định cụ thể để thể chế hóa chủ trương “Tòa án điện tử” mà thực tiễn đã chứng minh hiệu quả.
Đại biểu này cũng nêu rõ, dự thảo luật nên bổ sung một chương hoặc điều khoản về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp. Trong đó quy định, Tòa án, Viện kiểm sát được phép và khuyến khích sử dụng phương tiện điện tử ở tất cả các khâu tố tụng phù hợp. Cụ thể là cho phép nộp đơn, gửi tài liệu chứng cứ bằng hình thức trực tuyến (kèm chữ ký số hợp lệ); cho phép tống đạt giấy triệu tập, thông báo tố tụng qua phương tiện điện tử (email, cổng thông tin) bên cạnh hình thức truyền thống. Đặc biệt, cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án đáp ứng tiêu chí (vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, không thuộc trường hợp cấm xử online như bí mật nhà nước) theo khuôn khổ Nghị quyết 33/2021/QH15.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về quản lý hồ sơ vụ án điện tử: Các cơ quan tiến hành tố tụng phải từng bước số hóa hồ sơ, sử dụng hệ thống quản lý án chung để chia sẻ thông tin vụ án an toàn giữa tòa án, viện kiểm sát và thi hành án. Ngoài ra, dự thảo Luật cần giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy chế bảo mật, an toàn thông tin cho dữ liệu tư pháp và bảo vệ quyền riêng tư của người tham gia tố tụng trong môi trường số.