Hoàn thiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Cần bổ sung quy trình rút gọn và cơ chế xử lý xung đột hiệu quả tiêu chuẩn, quy chuẩn
Sáng ngày 10/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 10/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh, bày tỏ sự tán thành và nhất trí cao với tinh thần sửa đổi của dự thảo luật, đặc biệt là những nội dung thể hiện xu hướng hiện đại hóa quản lý tiêu chuẩn, phù hợp với cam kết quốc tế, tăng cường tính minh bạch, phân cấp rõ ràng và ưu tiên hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, nêu một số góp ý cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Về quy trình rút gọn trong xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá cao việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã kịp thời bổ sung quy định về áp dụng quy trình rút gọn trong một số trường hợp đặc biệt, được thể hiện tại Điều 10a và Điều 32 của dự thảo luật. Ông cho rằng đây là nội dung cần thiết, phù hợp với thực tiễn khi xảy ra các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, hoặc các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra rằng, các quy định hiện hành trong dự thảo vẫn còn mang tính khái quát, thiếu các tiêu chí cụ thể để làm căn cứ áp dụng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng hoặc áp dụng tùy nghi, từ đó ảnh hưởng đến tính minh bạch, khách quan trong quy trình xây dựng tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật, vốn là lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác, khoa học và thống nhất cao.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại hội trường sáng ngày 10/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị cần bổ sung vào luật một điều khoản riêng hoặc một mục cụ thể trong Điều 32 nhằm quy định rõ các điều kiện bắt buộc khi áp dụng quy trình rút gọn.
Cụ thể: (1) Việc áp dụng phải dựa trên đánh giá tác động tức thời, hoặc kết luận khẩn cấp do cơ quan có thẩm quyền như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành bằng văn bản; (2) Thời hạn hiệu lực tạm thời của các văn bản ban hành theo trình tự rút gọn cần được quy định rõ ràng, tránh việc kéo dài quá mức gây ảnh hưởng đến sự ổn định và dự báo trong áp dụng pháp luật; (3) Đặc biệt, cần bổ sung quy định về cơ chế báo cáo hậu kiểm bắt buộc, với mục tiêu đánh giá hiệu quả thực tế của văn bản đã được ban hành theo trình tự rút gọn. Thời hạn thực hiện báo cáo này nên được giới hạn trong vòng 12 tháng kể từ khi văn bản có hiệu lực.
Về cơ chế xử lý xung đột giữa tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật
Đại biểu chỉ ra một thực tế trong thực thi chính sách là hiện nay đã và đang xuất hiện không ít trường hợp tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự ban hành có nội dung trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc địa phương. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho công tác đánh giá sự phù hợp, thanh tra, kiểm tra, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ lưu thông trên thị trường, từ đó làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và uy tín hệ thống pháp luật kỹ thuật. Đại biểu ghi nhận rằng, tại điểm d, khoản 1 Điều 10a của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đã có đề cập nguyên tắc rằng “tiêu chuẩn cơ sở không được trái với quy chuẩn kỹ thuật”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, quy định này vẫn chưa đủ mạnh, vì thiếu các cơ chế cụ thể để giám sát, phát hiện và xử lý khi phát sinh mâu thuẫn trong thực tiễn áp dụng. Khoảng trống pháp lý này, nếu không được lấp đầy, có thể bị lợi dụng để duy trì những tiêu chuẩn không phù hợp, làm suy giảm hiệu lực thực thi của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - vốn là công cụ điều tiết chính sách công và đảm bảo an toàn cộng đồng.
Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu kiến nghị cần bổ sung một số quy định cụ thể trong dự thảo luật:
Thứ nhất, cần quy định rõ về cơ chế kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất đối với tiêu chuẩn cơ sở. Việc kiểm tra này nên do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) hoặc cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chủ trì, nhằm bảo đảm việc giám sát không mang tính hình thức và có thể phát hiện kịp thời các sai phạm.
Thứ hai, cần cho phép tổ chức, cá nhân có quyền gửi kiến nghị yêu cầu xác minh tính hợp pháp của tiêu chuẩn cơ sở trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu mâu thuẫn với quy chuẩn kỹ thuật. Đây là một cơ chế quan trọng để phát huy vai trò giám sát xã hội và phản ánh từ thực tiễn.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, cần xây dựng một quy trình xử lý xung đột rõ ràng, minh bạch. Trong đó, cần quy định cụ thể rằng tiêu chuẩn cơ sở phải bị thu hồi, đình chỉ hoặc sửa đổi bắt buộc nếu xác định có mâu thuẫn với quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc xử lý và thời hạn thực hiện không quá chậm trễ, nhằm đảm bảo hiệu lực của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia luôn được duy trì trong hệ thống pháp lý kỹ thuật. Theo đại biểu, việc bổ sung các quy định nêu trên là cần thiết và cấp bách để bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển khoa học -công nghệ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về trách nhiệm khi công bố sai lệch hợp chuẩn, hợp quy
Theo đại biểu, Điều 41 của dự thảo luật hiện đã đề cập đến các yêu cầu chung đối với việc đánh giá sự phù hợp, tuy nhiên vẫn còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi cố ý công bố sai lệch, gian dối trong công bố hợp chuẩn, hợp quy. Đây là một kẽ hở pháp lý nghiêm trọng nếu không được xử lý triệt để, có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho cộng đồng như sự cố về an toàn, sức khỏe người tiêu dùng, thiệt hại kinh tế và làm suy giảm lòng tin vào hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu kiến nghị cần bổ sung quy định cụ thể vào Điều 41 hoặc một điều khoản riêng trong chương quy định về đánh giá sự phù hợp, theo hướng: (1) Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý công bố sai lệch hoặc gian dối về kết quả đánh giá hợp chuẩn, hợp quy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả. (2) Giao Bộ KHCN ban hành hướng dẫn cụ thể về xử lý vi phạm, xác định mức độ chế tài tương ứng với từng hành vi vi phạm, bao gồm: Thu hồi giấy công bố hợp chuẩn, hợp quy; Xử phạt hành chính; Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, cần quy định rõ cơ chế thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, đặc biệt là các tổ chức ngoài nhà nước, để đảm bảo hoạt động đánh giá tuân thủ đúng quy trình, minh bạch và đáng tin cậy.
Theo đại biểu, các quy định này không chỉ nhằm lấp đầy khoảng trống pháp lý, mà còn là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ thống đánh giá sự phù hợp nghiêm túc, khoa học, có trách nhiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và khẳng định uy tín hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Về quy định hạ tầng dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá cao việc Điều 8c của dự thảo luật đã xác lập vai trò và nội dung cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng- đây là bước tiến phù hợp với xu hướng quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ số trong điều hành nhà nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu, các quy định tại điều khoản này hiện mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung, chưa làm rõ các yêu cầu kỹ thuật cần thiết để đảm bảo cơ sở dữ liệu có thể kết nối, chia sẻ và liên thông hiệu quả với các hệ thống dữ liệu khác của Nhà nước và doanh nghiệp. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể như vậy tiềm ẩn nguy cơ trùng lặp dữ liệu, phân mảnh thông tin, gây lãng phí nguồn lực đầu tư công, đồng thời giảm hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng.
Từ đó, đại biểu kiến nghị cần bổ sung thêm một khoản tại khoản 5, Điều 8c để làm rõ rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng phải được kết nối, tích hợp và chia sẻ thông tin với các hệ thống dữ liệu quốc gia có liên quan, như: Dữ liệu về sản phẩm, hàng hóa; Hệ thống quản lý chất lượng theo ngành, lĩnh vực; Dữ liệu doanh nghiệp; Hệ thống đo lường pháp định; Dữ liệu về đánh giá sự phù hợp. Đặc biệt, cần quy định rõ rằng nguyên tắc chia sẻ dữ liệu phải bảo đảm: Chuẩn cấu trúc dữ liệu thống nhất (ví dụ: sử dụng định dạng dữ liệu mở, API...); Không trùng lặp thông tin đã tồn tại ở các hệ thống khác; Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, với phân quyền truy cập theo cấp quản lý.
Đại biểu cũng đề xuất giao cho Bộ KHCN ban hành quy chuẩn kỹ thuật hạ tầng số, bao gồm: Quy trình vận hành cơ sở dữ liệu; Tiêu chuẩn dữ liệu; Cơ chế chia sẻ, liên thông; Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ việc tuân thủ yêu cầu liên thông giữa các hệ thống dữ liệu ở các ngành, lĩnh vực khác nhau. Theo đại biểu, việc bổ sung các quy định kỹ thuật rõ ràng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa nguồn lực đầu tư công, thúc đẩy kết nối dữ liệu liên ngành, và là nền tảng vững chắc cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đo lường quốc gia.
Về sự phù hợp với các luật chuyên ngành
Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu Thạch Phước Bình, đánh giá rằng dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như chất lượng sản phẩm, xây dựng, y tế, an toàn thực phẩm, công nghệ thông tin và sở hữu trí tuệ. Do đó, cần xem xét tương thích và hài hòa giữa dự thảo này với các luật chuyên ngành hiện hành, nhằm tránh xung đột pháp lý, chồng chéo chức năng hoặc thiếu thống nhất trong tổ chức thực thi.
Thứ nhất, khi đối chiếu với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, đại biểu nhận thấy cả hai luật đều có nội dung điều chỉnh về đánh giá sự phù hợp, thử nghiệm, chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại sự giao thoa chức năng, đặc biệt là trong việc chỉ định tổ chức đánh giá cấp chứng nhận và xử lý vi phạm. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ ràng hơn về phân công trách nhiệm giữa Bộ KHCNvà các bộ quản lý chuyên ngành, nhất là trong công tác hậu kiểm, công bố kết quả đánh giá sự phù hợp, nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ hai, khi so sánh với Luật An toàn thực phẩm (2010), Luật Dược (2016) và Luật Xây dựng (2014, sửa đổi 2020), đại biểu cho rằng hiện nay nhiều bộ chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động ban hành quy chuẩn kỹ thuật riêng cho lĩnh vực quản lý của mình. Việc này là cần thiết để điều chỉnh chuyên sâu, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) nếu thiếu sự điều phối. Do đó, ông kiến nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định xác lập vai trò điều phối trung tâm của Bộ KHCN, đồng thời yêu cầu các bộ ngành khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật phải có sự thống nhất, tham chiếu quy chuẩn quốc gia, nhằm tránh hình thành tiêu chuẩn kép giữa trung ương và ngành dọc.
Thứ ba, đối chiếu với Luật Giao dịch điện tử (2023) và Luật An ninh mạng (2018), đại biểu nhận thấy rằng trong khi dự thảo đã có quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, thì lại chưa đề cập đầy đủ đến các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến bảo mật dữ liệu, chuẩn hóa hạ tầng và quản trị thông tin số. Việc này có thể dẫn đến khó khăn trong tích hợp, liên thông, gây trùng lặp dữ liệu và ảnh hưởng đến hiệu quả kết nối với các nền tảng số quốc gia. Do đó, đại biểu kiến nghị dự thảo cần điều chỉnh để tương thích với các luật liên quan, đồng thời quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật số, yêu cầu bảo mật hệ thống, nguyên tắc phân quyền truy cập và đảm bảo thống nhất trong kiến trúc chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ tư, đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (2015), đại biểu đánh giá cao quy định tại dự thảo Luật cho phép UBND cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, thể hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng thực tế đã có một số địa phương ban hành quy chuẩn trái hoặc trùng lặp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gây xung đột pháp lý và khó khăn trong áp dụng. Do đó, ông đề nghị dự thảo cần bổ sung điều kiện ràng buộc, theo đó chỉ cho phép địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật khi chưa có quy chuẩn quốc gia tương ứng, đồng thời phải được Bộ KHCN thẩm định để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong toàn bộ hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn -quy chuẩn kỹ thuật.