Hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa

Thời gian tới, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo môi trường cơ chế chính sách minh bạch để doanh nghiệp tận dụng các cam kết thuế quan ưu đãi...

Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa. Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa. Ảnh minh họa.

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt khi tham gia các Hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) và Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Bộ Công Thương, đây là một trong các yếu tố giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua tăng ở mức trung bình 22% - 23% mỗi năm, từ 114,5 tỷ USD năm 2012 lên 354,7 tỷ USD năm 2023, năm 2024 đạt trên 400 tỷ USD.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong các FTA Việt Nam tham gia, xuất xứ hàng hóa luôn là một nội dung quan trọng mà các nước thành viên đàm phán thống nhất nhằm đảm bảo tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA.

Xuất xứ hàng hóa là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc thù, không chỉ gắn với việc hưởng thuế ưu đãi từ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế các nước dành cho Việt Nam, mà còn cả Việt Nam dành ưu đãi cho các nước.

Mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi trong khuôn khổ các FTA có thể chênh lệch từ 10% đến 40% so với thuế tối huệ quốc (MFN) giữa các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Để hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tính đến nay Bộ Công Thương đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết mà Việt Nam tham gia.

Điển hình, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa, hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan. Giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường FTA, các thị trường dành ưu đãi đơn phương, ưu đãi tối huệ quốc cho Việt Nam.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước thông qua việc tận dụng ưu đãi FTA và chống gian lận xuất xứ hàng hóa, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới cần hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo môi trường cơ chế chính sách minh bạch để doanh nghiệp tận dụng các cam kết thuế quan ưu đãi.

Cùng với đó, cần cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch lại hệ thống tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cần chống gian lận xuất xứ hàng hóa, tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu. Chú trọng công tác truyền thông và hợp tác quốc tế nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới các đơn vị của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan và cơ quan quản lý tại địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý và phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mặt khác, cần chú trọng công tác truyền thông về xuất xứ hàng hóa; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm phổ biến về quy tắc xuất xứ và mở rộng nhận thức xã hội về gian lận xuất xứ hàng hóa; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức cấp C/O trong công tác xác minh vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức cấp C/O thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Thông tư số 05/2018/TT-BCT, rà soát, khắc phục đầy đủ, triệt để các tồn tại, đảm bảo việc cấp C/O chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp, phải thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa; nghiên cứu đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn xuất xứ của từng khu vực thị trường cụ thể, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường FTA.

“Với vai trò được Chính phủ giao là tổ chức việc thực hiện cấp C/O, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch lại hệ thống tổ chức cấp C/O theo hướng hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ điện tử ở cấp độ phù hợp với từng đối tác; tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu", Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn khẳng định.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-xuat-xu-hang-hoa.htm
Zalo