Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phục vụ

Năm 2025, phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) duy trì ở mức tốt trở lên và thuộc 1 trong 5 đơn vị dẫn đầu trong 9 quận, huyện, thị xã nên quận Thuận Hóa tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực phục vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp (DN).

Trung tâm Hành chính công quận Thuận Hóa khang trang, hiện đại

Trung tâm Hành chính công quận Thuận Hóa khang trang, hiện đại

Giải quyết hết hồ sơ tồn đọng

Sau khi triển khai các quy định mới của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, trình tự thủ tục của người dân, DN khá thuận lợi nên số lượng hồ sơ đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực đất đai tại Trung tâm Hành chính công (HCC) quận Thuận Hóa khá nhiều. Cùng với đó, thời gian qua trên địa bàn quận triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển du lịch dịch vụ… nên các hồ sơ liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng tăng đột biến. Tuy nhiên, sau khi chia tách Trung tâm HCC TP. Huế (cũ) thành Trung tâm HCC 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa, nhân sự của Trung tâm HCC quận thiếu hụt, trong khi số lượng hồ sơ giao dịch chiếm từ 60 - 70% so với địa bàn TP. Huế trước đây, dẫn đến số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều.

Theo Phó Bí thư Quận ủy, Quyền Chủ tịch UBND quận Thuận Hóa, ông Nguyễn Đình Bách, qua thống kê hiện có khoảng 2.000 hồ sơ liên quan đến các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng của người dân và DN còn tồn đọng chưa xử lý. Để xử lý hết số lượng hồ sơ nói trên cũng như giải quyết đúng hạn các hồ sơ mới, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của Trung tâm HCC quận và các phường, quận đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông để có phương án sắp xếp lại toàn bộ hệ thống Trung tâm HCC; tăng cường nhân lực, năng lực để đáp ứng nhu cầu của người dân và DN trên địa bàn.

Theo đó, quận đã lên phương án xin bố trí thêm 4 công chức từ 2 huyện Phú Lộc, Nam Đông sau khi 2 đơn vị này sáp nhập; biệt phái thêm 5 cán bộ ở các phường đến làm việc tại Trung tâm HCC trong thời hạn 1 năm; đồng thời, xin bố trí thêm 4 cán bộ từ Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ trung tâm trong thời gian từ 1- 3 tháng nhằm giải quyết rốt ráo số hồ sơ tồn đọng cũng như các hồ sơ mới. Tiếp đến, quận tổ chức tập huấn ứng dụng phần mềm CNTT, ứng dụng hồ sơ công việc… cho khoảng 200 cán bộ, công chức thuộc Trung tâm HCC quận và 19 phường; làm việc với Bưu điện thành phố Huế để triển khai một số ứng dụng liên quan đến dịch vụ công qua bưu điện nhằm góp phần tiết giảm thời gian, công sức đi lại của người dân, đặc biệt là ở các phường xã trung tâm quận, như: Thủy Bằng, Hương Phong, Thuận An…

Hướng đến sự chuyên nghiệp, hiện đại

Thời gian qua, hạ tầng CNTT trên địa bàn quận Thuận Hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông với các sở, ban ngành và UBND thành phố Huế, đảm bảo việc triển khai các phần mềm dùng chung của thành phố và các phần mềm chuyên ngành của đơn vị. Trong đó, hệ thống mạng ở văn phòng HĐND và UBND quận, các phòng, ban và UBND 19 phường đã kết nối mạng CPNET của thành phố. Ngoài ra, chữ ký số được quan tâm và đẩy mạnh sử dụng trong các cơ quan, đơn vị với 100% các cơ quan hành chính và lãnh đạo từ quận đến phường đã được cấp chứng thư số phục vụ việc ký số văn bản, thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.

Ông Nguyễn Đình Bách cho biết, kế thừa và phát huy những thành quả đạt được của Trung tâm HCC TP. Huế (cũ), năm 2025, UBND quận tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân, DN trên địa bàn. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, UBND quận đã và đang từng bước hoàn thiện hạ tầng CNTT, ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến phù hợp với xu hướng phát triển của công nghiệp 4.0. Đồng thời, triển khai có hiệu quả mô hình chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hầu hết các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông...

Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 nên thời gian tới quận đẩy mạnh công tác CCHC, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển chính quyền số góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, qua đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN.

Nhiệm vụ quan trọng nữa đó là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy tính cũng như nguồn nhân lực để phục vụ công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị. Trước mắt, ưu tiên cho Trung tâm HCC và hệ thống một cửa hiện đại của 19 phường nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và DN khi thực hiện giải quyết TTHC. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các phường thực hiện tổ chức tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức, như: Cổng thông tin điện tử quận, phường; tuyên truyên trên hệ thống truyền thanh FM, mạng xã hội zalo, facebook…; phát hành tài liệu hướng dẫn cho người dân và DN nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công thành phố Huế. Tiếp tục duy trì phòng họp trực tuyến đến 100% các phường, áp dụng phòng họp không giấy tờ Ecabinet; phối hợp với các đơn vị viễn thông tổ chức các cuộc họp trực tuyến thành phố với cấp thành phố, cấp Trung ương.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/hoan-thien-ha-tang-cong-nghe-thong-tin-nang-cao-nang-luc-phuc-vu-150793.html
Zalo