Hoàn thiện chương trình chi tiết và tài liệu tiếng Ê đê

Chiều 21/2, Sở GD&ĐT tổ chức hội thảo, hoàn thiện chương trình chi tiết và tài liệu tiếng Êđê. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Thị Minh Duyên, Trưởng ban biên soạn chủ trì hội thảo.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Thị Minh Duyên, Trưởng ban biên soạn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRUNG HIẾU

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Thị Minh Duyên, Trưởng ban biên soạn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRUNG HIẾU

Chương trình chi tiết và tài liệu tiếng Ê đê được soạn thảo để tổ chức bồi dưỡng cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số theo Thông tư 09, ngày 18/4/2023 của Bộ GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Thời lượng dạy học của chương trình, tài liệu là 450 tiết. Cấu trúc chương trình, tài liệu được thiết kế thành 11 cụm bài. Mỗi cụm bài ứng với một chủ đề, gồm một số bài học: gia đình, dòng tộc, làng bản, thiên nhiên, môi trường, văn hóa dân tộc, đất nước, con người, Đảng và Bác Hồ, lao động, sản xuất, khoa học và giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi bài học tích hợp các nội dung học tập, rèn luyện như: Bài đọc, từ ngữ, ngữ pháp, luyện nghe, luyện nói, luyện viết. Thời lượng cho mỗi cụm bài tùy thuộc nội dung từng chủ đề. Số tiết dành cho luyện nghe, luyện nói chiếm khoảng 60% thời gian của bài học. Số tiết dành cho bài đọc, từ ngữ, ngữ pháp, luyện viết chiếm khoảng 40% thời gian của bài học. Nội dung dạy học của chương trình, tài liệu được xây dựng dựa trên yêu cầu cơ bản cần đạt về kỹ năng và kiến thức.

Tại hội thảo, các đại biểu góp ý kiến tập trung vào một số nội dung của chương trình, như: đánh giá cấu trúc chương trình (11 cụm bài theo chủ đề); góp ý về phân bổ thời lượng (60% nghe, nói, 40% đọc, viết); thảo luận về tính thực hành và phù hợp văn hóa, ngôn ngữ, bản sắc của địa phương… Các thành viên Ban biên soạn tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các đại biểu tại hội thảo.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Thị Minh Duyên, Trưởng ban biên soạn cho biết, chương trình, tài liệu được xây dựng trên tinh thần phù hợp, thiết thực, có tính thực hành cao; giúp người học có khả năng giao tiếp được trong công tác và đời sống hàng ngày (bao gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết). Nội dung chương trình, tài liệu phải đảm bảo góp phần gìn giữ văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc Ê đê; qua đó góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, AN-QP, phát triển KT-XH địa phương.

TRUNG HIẾU

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/326196/hoan-thien-chuong-trinh-chi-tiet-va-tai-lieu-tieng-e-de.html
Zalo