Hoàn thiện chính sách pháp lý và quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa

Giao dịch hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, giúp ổn định giá cả, phân bổ nguồn lực, và phản ánh mức độ phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, thị trường giao dịch hàng hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ, với khối lượng giao dịch năm 2024 tăng hơn 10%, giá trị trung bình đạt 5.000 tỷ đồng/ngày.

Tóm tắt

Giao dịch hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, giúp ổn định giá cả, phân bổ nguồn lực, và phản ánh mức độ phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, thị trường giao dịch hàng hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ, với khối lượng giao dịch năm 2024 tăng hơn 10%, giá trị trung bình đạt 5.000 tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành còn thiếu đồng bộ, nhiều quy định chồng chéo, chưa theo kịp thực tiễn phát triển và chuyển đổi số. Chính sách pháp lý và quản lý nhà nước có vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo minh bạch, công bằng, phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Việc nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, tăng cường thanh tra, công khai thông tin và xử lý vi phạm là những giải pháp cần thiết. Đồng thời, Việt Nam cần sửa đổi, xây dựng bộ luật riêng về giao dịch hàng hóa, thay thế các nghị định lỗi thời và ban hành hướng dẫn kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế.

Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, vào giám sát giao dịch hàng hóa là một bước đột phá giúp rút ngắn thời gian xử lý vi phạm và tăng tính minh bạch. Ngoài ra, cần phát triển nền tảng dữ liệu quốc gia, cổng thông tin điện tử và tăng cường hội nhập quốc tế thông qua hợp tác với các sở giao dịch lớn toàn cầu. Đây là cơ sở để Việt Nam phát triển thị trường giao dịch hàng hóa hiện đại, hiệu quả và hội nhập.

Từ khóa: Giao dịch hàng hóa

Trong nền kinh tế thị trường, giao dịch hàng hóa giữ vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy lưu thông, phân bổ nguồn lực và phản ánh mức độ phát triển cũng như hiệu quả vận hành của nền kinh tế. Thị trường giao dịch hàng hóa không chỉ tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế tiếp cận nguồn cung một cách thuận lợi, mà còn góp phần hình thành mặt bằng giá cả minh bạch, cạnh tranh. Để thị trường này phát triển ổn định, công bằng và hiệu quả, cần có một hệ thống pháp lý chặt chẽ cùng sự quản lý nhà nước linh hoạt, sát thực tiễn. Một khuôn khổ pháp luật đồng bộ và công tác quản lý hiệu quả sẽ là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh của thị trường, đồng thời hạn chế các hành vi gian lận, đầu cơ và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Giao dịch hàng hóa là hoạt động mua bán thông qua hợp đồng, gồm nguyên liệu, nông sản, kim loại, năng lượng… Thực hiện trực tiếp hoặc qua Sở giao dịch hàng hóa. Năm 2024, theo MXV khối lượng giao dịch tăng hơn 10%, giá trị trung bình: 5.000 tỷ đồng/ngày, kỷ lục ngày 19/4: gần 11.000 tỷ đồng, gần 5.000 tài khoản mới, tổng cộng gần 35.000. Dẫn đầu Bạch kim (15,5%), đậu tương (14,6%), lúa mì (7%)

Ba hình thức giao dịch: Giao ngay hàng trong 2 ngày, giá theo thời điểm; Kỳ hạn giá cố định trước, giao hàng sau, theo thỏa thuận; Tương lai chuẩn hóa trên sàn, có ký quỹ và điều chỉnh giá. Về pháp lý tuân theo Luật Thương mại, Luật Dân sự và quy định sàn giao dịch. Vai trò kinh tế giao dịch ổn định giá, phòng ngừa rủi ro, tạo cơ hội đầu cơ. Ví dụ: Doanh nghiệp cà phê dùng hợp đồng kỳ hạn để cố định giá trước mùa thu hoạch.

Vai trò của chính sách pháp lý và quản lý nhà nước

Bảo đảm minh bạch và công bằng trong giao dịch

Minh bạch là nền tảng để tạo dựng niềm tin và đảm bảo hiệu quả vận hành thị trường. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (WEF 2023), Việt Nam xếp hạng 96/141 về “tính minh bạch thể chế”, cho thấy còn nhiều dư địa cải thiện. Việc bắt buộc công bố thông tin, như yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với 100% công ty niêm yết phải báo cáo tài chính định kỳ, giúp tăng cường công khai, minh bạch. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng góp phần hạn chế gian lận, tham nhũng. Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2023 đạt 42/100, tăng nhẹ so với năm 2022.

Phòng ngừa rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng

Chính sách pháp lý và quản lý nhà nước là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ các chủ thể trên thị trường. Sau biến động trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành nhằm siết chặt điều kiện phát hành, nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi, hiệu lực từ 2024) bổ sung cơ chế khởi kiện tập thể và xử lý hành vi lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, công tác giám sát tài chính được đẩy mạnh: năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra 25 tổ chức tín dụng, xử phạt hành chính trên 40 tỷ đồng để giảm rủi ro hệ thống.

Tăng cường hiệu quả thị trường và thu hút đầu tư

Hệ thống pháp lý và quản lý nhà nước giữ vai trò then chốt trong phát triển thị trường giao dịch hàng hóa. Việc xây dựng khung pháp lý minh bạch, đồng bộ và quản lý hiệu quả sẽ giúp thị trường phát triển bền vững, bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng và thu hút thêm dòng vốn trong và ngoài nước.

Thực trạng khung pháp lý điều chỉnh giao dịch hàng hóa

Hiện nay, khung pháp lý cho giao dịch hàng hóa được hình thành từ nhiều văn bản quan trọng. Nổi bật là Luật Thương mại 2005 quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán hàng hóa trong nước và quốc tế. Luật Giá 2012 (sửa đổi 2023) bổ sung nguyên tắc quản lý giá, đặc biệt với hàng hóa thiết yếu.

Luật Giao dịch điện tử 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) mở rộng phạm vi sang các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán…, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho giao dịch hàng hóa trên nền tảng số. Nghị định 158/2006/NĐ-CP, 51/2018/NĐ-CP điều chỉnh hoạt động của các sàn giao dịch hàng hóa, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai, song nhiều quy định đã lạc hậu so với thực tiễn. Giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) hiện đạt trên 40.000 tỷ đồng/phiên (năm 2023), tăng gấp 10 lần so với 2020, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải hoàn thiện khung pháp lý. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều bất cập. Dù MXV là sàn duy nhất được cấp phép, nhiều sàn trái phép vẫn hoạt động, gây rủi ro lớn. Năm 2023, cơ quan chức năng triệt phá hơn 40 sàn lừa đảo, với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới 1.500 tỷ đồng.

Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước

Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và quản lý hoạt động giao dịch hàng hóa. Cơ quan này đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BCT nhằm tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động sàn giao dịch, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) là đơn vị duy nhất tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung theo pháp luật. Đến năm 2024, MXV đã liên thông với 17 sở giao dịch quốc tế, khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 5.000 tỷ đồng/ngày, với hơn 40.000 tài khoản đang hoạt động.

Những hạn chế và bất cập hiện nay hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, nhiều quy định chồng chéo giữa các luật như Luật Thương mại, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử. Việc phân định chức năng giữa các bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chưa rõ ràng, gây khó khăn trong giám sát.

Tình trạng thiếu minh bạch trên một số sàn giao dịch, đặc biệt là sàn trực tuyến, vẫn phổ biến. Theo Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), chỉ khoảng 45% sàn công bố đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Ngoài ra, năng lực giám sát của cơ quan chức năng còn yếu, hệ thống công nghệ chưa đủ mạnh, dẫn đến việc xử lý vi phạm chậm và chưa triệt để.

Định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành là cần thiết để loại bỏ mâu thuẫn, chồng chéo. Đặc biệt, cần xem xét xây dựng một bộ luật riêng về giao dịch hàng hóa, đảm bảo tính thống nhất và cập nhật với thông lệ quốc tế. Trước mắt, cần thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP bằng Nghị định mới. Vì hai Nghị định này ban hành đã lâu, nhiều quy định lạc hậu so với tình hình giao dịch hàng hóa hiện nay. Một số nội dung trùng lặp, mâu thuẫn với các luật và quy định mới ban hành. Chưa điều chỉnh kịp các hoạt động giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Cơ chế giám sát, quản lý còn bất cập, thiếu công cụ kiểm soát hiệu quả. Yêu cầu hội nhập cần cập nhật để phù hợp với cam kết quốc tế và thông lệ thương mại toàn cầu.

Song song đó, Việt Nam cần ban hành các quy định phù hợp với chuẩn mực G20, IOSCO… như cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia trực tiếp thị trường kỳ hạn, hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng về ký quỹ, thanh toán bù trừ. Đây là tiền đề để nâng cao thanh khoản, thu hút vốn và hội nhập thị trường toàn cầu.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước

Cần tăng cường đào tạo cán bộ chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực phái sinh và giao dịch hàng hóa qua mạng. Tỷ lệ cán bộ có kiến thức chuyên sâu hiện chỉ khoảng 15%, theo Bộ Công Thương (2023). Đồng thời, ngân sách đầu tư cho hoạt động quản lý thị trường hàng hóa cũng cần được nâng lên tương xứng.

Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành giữa Bộ Công Thương – Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cần được cải thiện để đảm bảo giám sát toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ứng dụng công nghệ trong giám sát giao dịch hàng hóa

Một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và minh bạch hóa thị trường giao dịch hàng hóa là ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác giám sát. Giải pháp này được triển khai thông qua các nội dung chính sau:

Xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia về giao dịch hàng hóa. Đây là hệ thống lưu trữ và xử lý tập trung tất cả dữ liệu liên quan đến giao dịch hàng hóa trên các sàn giao dịch trong cả nước. Nền tảng này đóng vai trò là "xương sống" cho hoạt động quản lý, giúp cơ quan chức năng có thể tiếp cận đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, bên mua – bên bán, hợp đồng, thời điểm giao dịch,...

Tích hợp thời gian thực với các sàn giao dịch hàng hóa. Hệ thống được kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch, cho phép thu thập và xử lý dữ liệu ngay tại thời điểm phát sinh giao dịch. Điều này giúp giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán, giảm nguy cơ trục lợi, thao túng thị trường hay tạo giá ảo.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data):

AI được sử dụng để phân tích hành vi giao dịch, xác định các mẫu giao dịch bất thường hoặc có dấu hiệu gian lận.

Big Data giúp tổng hợp lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn, từ đó cung cấp cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về thị trường.

Sự kết hợp giữa hai công nghệ này giúp phát hiện các dấu hiệu rủi ro sớm, như thao túng giá, giao dịch khống, lừa đảo...

Tăng tốc xử lý và xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Nhờ tự động hóa quy trình giám sát và phát hiện vi phạm, thời gian xử lý các vụ việc được rút ngắn đáng kể — từ trung bình 30 ngày xuống chỉ còn 7 ngày. Điều này góp phần nâng cao tính răn đe, giảm thiểu thiệt hại và duy trì sự ổn định của thị trường.

Bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường minh bạch

Việc xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia về giao dịch hàng hóa sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin giá cả, cung cầu thị trường kịp thời. Ngoài ra, cần thành lập Trung tâm trọng tài độc lập chuyên xử lý tranh chấp trong giao dịch hàng hóa, với quy trình hòa giải và giải quyết minh bạch, nhanh gọn.

Tăng cường hội nhập quốc tế

Việt Nam cần chủ động tham gia các tổ chức thương mại quốc tế, ký kết hợp tác chiến lược với các sở giao dịch lớn như SHFE (Trung Quốc), MCX (Ấn Độ), CME (Mỹ)… để chia sẻ dữ liệu, công nghệ và đào tạo nhân lực. Việc học hỏi mô hình thành công từ các quốc gia phát triển như Singapore, Mỹ, Anh cũng giúp Việt Nam hoàn thiện hạ tầng công nghệ và thể chế, tiến tới xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh.

Để thị trường giao dịch hàng hóa phát triển bền vững, minh bạch và hội nhập quốc tế, việc hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường quản lý nhà nước là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, cập nhật theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực giám sát và ứng dụng công nghệ trong quản lý. Cùng với đó, việc bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy minh bạch thông tin và mở rộng hợp tác quốc tế sẽ là nền tảng vững chắc để thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam phát triển hiện đại, hiệu quả và cạnh tranh.

Tài liệu tham khảo

1.Quốc hội (2005), Luật Thương mại, số 36/2005/QH11, ban hành ngày 14/06/2005.

2.Quốc hội (2012), Luật Giá, số 11/2012/QH13, ban hành ngày 20/06/2012; sửa đổi, bổ sung năm 2023.

3.Quốc hội (2023), Luật Giao dịch điện tử, số 20/2023/QH15, có hiệu lực từ 01/7/2024

4.Chính phủ (2006), Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

5.Chính phủ (2018), Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006/NĐ-CP.

6.Chính phủ (2022), Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

7.Quốc hội (2023), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), số 19/2023/QH15, có hiệu lực từ 01/7/2024.

8.Bộ Công Thương (2021), Thông tư số 17/2021/TT-BCT quy định về hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

9.Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023), Báo cáo kết quả thanh tra hoạt động tín dụng.

10.Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) (2023), Báo cáo tổng kết thị trường giao dịch hàng hóa năm 2023.

11.Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) (2023), Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2023.

12.Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) (2024), Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI).

13.Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) (2023), Khảo sát công bố thông tin của các sàn giao dịch hàng hóa.

14.Bộ Công Thương (2023), Báo cáo về năng lực cán bộ quản lý thị trường giao dịch hàng hóa.

15.IOSCO – International Organization of Securities Commissions (2023), Principles for the Regulation and Supervision of Commodity Derivatives Markets.

16.G20 (2022), Global Derivatives Market Regulation Framework.

Ths Nguyễn Mạnh Hùng

Công ty TNHH Tổng hợp Hùng Gia Group

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn//hoan-thien-chinh-sach-phap-ly-va-quan-ly-nha-nuoc-trong-linh-vuc-giao-dich-hang-hoa/20250428023935252
Zalo