Hòa mình vào vận hội mới, kỷ nguyên mới với khoa học, công nghệ

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nhiều điểm mới, tạo cơ chế, động lực cho các hoạt động nghiên cứu khoa học có tính đột phá nhằm đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước, trong đó khoa học, công nghệ là nền tảng và là nội lực đưa Việt Nam lên tầm cao mới.

Lâm Đồng vươn mình cùng đất nước. Ảnh: SangDL

Lâm Đồng vươn mình cùng đất nước. Ảnh: SangDL

Nghị quyết xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội và ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.

Đây là công cụ chính để đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đặc biệt, nghị quyết nhấn mạnh cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân, bảo đảm sự tham gia đồng bộ, hiệu quả của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

XUNG LỰC ĐỔI MỚI

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 là minh chứng rõ nét thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bởi, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là thời cơ, đồng thời là đòi hỏi của thực tế không chỉ đối với Việt Nam, mà có tác động và ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết số 57 xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia một cách bài bản, hệ thống và đột phá. Nghị quyết không chỉ đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, mà còn chỉ rõ con đường, giải pháp để đạt được những mục tiêu đó. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là động lực then chốt để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu… Thực chất chính là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện.

Bộ Chính trị đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể bao gồm xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tập trung vào việc loại bỏ các rào cản pháp lý cản trở sự phát triển. Cùng với đó là ưu tiên cải cách thể chế để tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; chú trọng việc đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và các ngành công nghệ mũi nhọn khác, thông qua các chương trình đào tạo tiên tiến và hợp tác quốc tế.

Trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 57, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên chính là nâng cao nhận thức, tạo sự đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là giải pháp tiên quyết và có ý nghĩa quyết định việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị trong thực tế. Bài học thực tiễn sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho chúng ta thấy rất rõ điều này: Đổi mới đất nước phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Cùng với đó cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút và phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu "đột phá".

Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về công nghệ invitro - nuôi cấy mô

Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về công nghệ invitro - nuôi cấy mô

HÒA MÌNH VÀO VẬN HỘI

Hòa mình vào vận hội mới, kỷ nguyên mới, tỉnh Lâm Đồng cũng đã sớm đưa ra những quyết sách mới, định hướng chiến lược phát triển mới để vươn lên cùng đất nước.

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 12/NQ-TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh; đến nay, về cơ bản Lâm Đồng đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Xác định nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2025 và những năm sắp đến, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông mạnh mẽ về chuyển đổi số; làm tốt công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Huy động, phát huy vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân cùng cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số theo phương châm “toàn dân, toàn diện”.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, để bảo đảm thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng, Hiệp hội Hoa Đà Lạt là đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, giải pháp khoa học - công nghệ là cốt lõi, đột phá lớn nhất để phát triển ngành hoa và tăng tỷ lệ xuất khẩu. Đồng thời, quan tâm khâu chọn tạo giống, thực hiện nghiêm về thực hiện giống bản quyền, khuyến khích phát triển giống từ nguồn gen tại Đà Lạt - Lâm Đồng, phát triển hạ tầng phục vụ cho ngành hoa (trung tâm giao dịch hoa và các trung tâm logistics; hình thành vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao, cụm công nghiệp sản xuất giống nuôi cấy mô…); chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành hoa; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử và quảng bá, hợp tác quốc tế trong phát triển ngành hoa…

Lâm Đồng hiện là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô (invitro) trong sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 56 tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống invitro. Với con số ấn tượng, xuất khẩu 35 triệu cây giống invitro sang các quốc gia trong khu vực, thị trường châu Âu trong việc phát triển lĩnh vực giống cây nông nghiệp. Song, không dừng lại ở đó, Lâm Đồng đang triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hóa khát vọng hình thành ngành công nghiệp giống invitro.

Có thể nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực chính cho sự phát triển đất nước. Đây là bước tiến chiến lược để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực trên bản đồ kinh tế thế giới.

Sự kết hợp giữa định hướng đúng đắn, chính sách hiệu quả và sự tham gia đồng bộ của toàn xã hội sẽ là nền tảng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Hòa mình vào vận hội mới của đất nước, Lâm Đồng cũng đang chuyển mình mạnh mẽ.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202502/hoa-minh-vao-van-hoi-moi-ky-nguyen-moi-voi-khoa-hoc-cong-nghe-5370a4d/
Zalo