Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đơn Dương
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở huyện Đơn Dương với vùng nông nghiệp xanh quy mô lớn nhất trong tỉnh, đã trở thành nền tảng thu hút khởi nghiệp đầu tư, đổi mới sáng tạo để kết nối, nhân rộng thành phẩm lợi thế đặc trưng trên địa bàn.
Hơn 6 năm khởi nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương tọa lạc trên 1.500 m2 thuộc xã Quảng Lập, đã sản xuất ổn định khối lượng phân hữu cơ đáp ứng nhu cầu canh tác cây trồng theo phương pháp tuần hoàn trong một năm vừa qua từ 170 - 180 tấn bột, 5 tấn ép viên, 1.500 lít dung dịch, 1 tấn trà đậm đặc. Qua đó, HTX liên kết với hơn 21 nông hộ trong huyện Đơn Dương canh tác hơn 20 ha rau, hoa theo phương pháp tuần hoàn bổ sung dưỡng chất và tái sinh vi sinh vật có lợi trong đất, tương ứng tỷ lệ khoảng 30% khối lượng phân bón trùn quế thành phẩm hàng năm. Bên cạnh đó, HTX còn “liên kết ngang” với Khu du lịch canh nông Avocado đón khách tham quan kỹ thuật chế biến phân trùn quế hữu cơ, đồng thời tổ chức trải nghiệm trên những cánh đồng rau, hoa liên kết dọc với HTX quanh năm tốt tươi, sạch bệnh và bảo vệ môi trường mỗi ngày.
Giám đốc HTX Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương Phạm Thi Thanh Tuyền chia sẻ: “Nuôi trùn quế là một trong những giải pháp góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí 17 về môi trường. Đồng thời tạo điều kiện cho 13 thành viên chính thức và 21 thành viên liên kết của HTX có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hộ gia đình...”. Theo đó, đến năm 2022, HTX đã phối hợp xây dựng và phát triển mô hình du lịch canh nông tham quan sản xuất theo hướng hữu cơ tuần hoàn tại địa phương. Những nông hộ trong tỉnh Lâm Đồng được tự do tham quan, học hỏi về các ứng dụng trong nông nghiệp đối với mô hình HTX Phụ nữ Trùn quế mang lại. Với khách du lịch ngoài tỉnh Lâm Đồng được trải nghiệm từng khâu nuôi và chăm sóc trùn quế từ phế phẩm các loại cây trồng cũng như chất thải chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên mọi vùng sinh thái cây trồng trong nước…
Đánh giá của UBND huyện Đơn Dương cho thấy, với nền tảng phát triển thuận lợi của nền nông nghiệp trên địa bàn, các chương trình, dự án khởi nghiệp ở huyện Đơn Dương trong những năm gần đây đã thực hiện hiệu quả với nhiều doanh nghiệp trồng trọt và chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, tiên tiến về canh tác các loại rau, củ, quả sạch; chăn nuôi trâu, bò… Để góp phần khuyến khích phong trào khởi nghiệp ở địa phương, huyện Đơn Dương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp; 100% thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ 6 thanh niên vay vốn tín dụng ưu đãi khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại địa phương do thanh niên làm chủ. Ngoài ra hỗ trợ triển khai Chương trình Khởi nghiệp các sản phẩm OCOP đặc trưng ở địa phương như: Hạt mắc ca rang hồng ngoại - The Macanut OCOP 4 sao (xã Ka Đơn); Hạt bí nhật OCOP 3 sao (xã Tu Tra); Bánh tráng mắm ruốc - gà cay - ớt tỏi - muối tôm OCOP 4 sao của Công ty TNHH 2G (xã Lạc Lâm)…
Qua các giải pháp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại địa phương, huyện Đơn Dương tiếp tục duy trì các mô hình kinh tế giỏi, cách làm mới, sáng tạo, định kỳ tổ chức khen thưởng, nêu gương, phổ biến và trao đổi kinh nghiệm. Các mô hình liên kết thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu như: Tổ hợp tác sản xuất rau thanh niên sản xuất kinh tế giỏi; thành lập Tổ hợp tác rau sạch; Tổ hợp tác POA ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương có 6 doanh nghiệp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp các hình thức như: làm cầu nối giao lưu, liên kết, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài địa phương; hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trẻ giới thiệu, trưng bày sản phẩm khởi nghiệp trong các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Xu hướng khởi nghiệp trong thời gian tới ở hệ sinh thái huyện Đơn Dương tiếp tục thúc đẩy các mô hình đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, công nghệ cao, mục tiêu cung cấp người tiêu dùng các sản phẩm sạch, chăm sóc sức khỏe, hữu cơ, đạt hiệu quả kinh tế đáng kể trên địa bàn…