Đưa thị trường bảo hiểm vào quỹ đạo

Nghị định số 174/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 15/2/2025 với những mức phạt gắt gao, được dư luận kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh thị trường bảo hiểm vốn đang nhiều ì xèo hiện nay.

"Đòn đau" nhớ lâu

Thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua tăng trưởng cao và tương đối ổn định, thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phạm Thu Phương thông tin, thị trường bảo hiểm hiện có 85 DN kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 32 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 19 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 32 DN môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Số lượng văn phòng đại diện của DN bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam là 15 văn phòng. Tổng tài sản của các DN bảo hiểm năm 2024 ước đạt 1.007.204 tỷ đồng; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 210.124 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.495 tỷ đồng; chi trả bảo hiểm ước đạt 93.906 tỷ đồng...

Thị trường bảo hiểm tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng

Thị trường bảo hiểm tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, do phát triển nóng, thị trường bảo hiểm thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi cho khách hàng. Các lỗi vi phạm chính là tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền quảng cáo sai về DN bảo hiểm… Nổi cộm là tình trạng ép người vay ngân hàng mua bảo hiểm, gửi tiền ngân hàng lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hay việc khách hàng bị mất tiền chỉ vì tư vấn bảo hiểm mập mờ… Hàng loạt sai phạm khiến người dân phần nào mất thiện cảm với các loại bảo hiểm.

Để đưa thị trường bảo hiểm trở lại quỹ đạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức xử phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng. Đáng chú ý, bên cạnh các mức phạt hành chính, còn có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn. Cụ thể, hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm phạt tới 200 triệu đồng; không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng; quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt từ 80 -100 triệu đồng… Những mức phạt gắt gao này chính là “đòn đau” để các DN kinh doanh bảo hiểm "nhớ lâu" trong quá trình hoạt động.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc tăng mức xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là đúng đắn, giúp DN và cá nhân hoạt động nghiêm túc hơn trong lĩnh vực bảo hiểm. Đây là giải pháp góp phần chấn chỉnh, đưa hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào nền nếp. Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng nguyên tắc xử phạt nặng các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, để cá nhân, DN nghĩ đến là... không dám vi phạm. Thậm chí ở một số quốc gia, cá nhân vi phạm bị phạt tiền tỷ, với tổ chức thì mức phạt có thể lên hàng trăm tỷ đồng.

Nếu chỉ quy định hình phạt mà không giám sát chặt chẽ hoạt động của DN, đại lý bảo hiểm thì tăng cao mức phạt hơn nữa cũng không có giá trị.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Xử phạt đi kèm giám sát

Thực tế, sau hàng loạt lùm xùm của ngành bảo hiểm, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh quản lý và chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cùng với quản lý chặt và nền tảng pháp lý mới, thị trường bảo hiểm đã có sự thay đổi tích cực.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản để cụ thể hóa Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường giám sát hoạt động của các công ty bảo hiểm, ngăn chặn sai phạm trong bán bảo hiểm qua ngân hàng… Công ty nào có dấu hiệu vi phạm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định, nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, đưa hoạt động bảo hiểm về đúng quỹ đạo. Ngành bảo hiểm cũng đã chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của DN bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm tính minh bạch.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc hãng luật TGS bày tỏ, việc tăng mức xử phạt sẽ góp phần đưa thị trường bảo hiểm vào quỹ đạo. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là việc áp dụng, thực hiện những quy định được quy định trong Nghị định. Việc lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm cần sự chung tay của nhiều bên. Ở đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và các cơ quan chức năng liên quan cần kiểm soát đầu vào của đại lý bảo hiểm chặt chẽ hơn. Khi xử phạt hành chính hay áp dụng các hình thức xử phạt khác như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, tước giấy phép DN vi phạm…

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tuyên truyền phổ biến Nghị định 174 rộng rãi, để không chỉ DN, cá nhân kinh doanh bảo hiểm nắm được, mà khách hàng cũng biết để phát huy vai trò giám sát khi giao dịch. Điều này sẽ giúp lấy lại niềm tin từ người tham gia bảo hiểm, cũng như tăng tính minh bạch trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận chỉ đạo, để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cần tập trung vào công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, công tác xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung vào quản lý giám sát với mục tiêu bảo đảm thị trường bảo hiểm minh bạch, an toàn, hiệu quả; triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường, hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng cho rằng, thời gian tới, thị trường bảo hiểm cần hoàn thiện chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng công nghệ để cải thiện độ minh bạch về sản phẩm và cung cấp cho khách hàng quyền kiểm soát tốt hơn đối với thông tin và phạm vi bảo hiểm của họ, cơ sở dữ liệu thị trường… Đây là các vấn đề cần thiết, là cơ sở vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, góp phần phát triển ổn định và bền vững cho các chủ thể khác trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đồng thời, cũng cần các giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc của DN bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Chỉ có phạt nặng mới khiến cá nhân, đại lý bảo hiểm không dám có hành động sai phạm hay “nhắm mắt làm ngơ” cho những hành vi sai trái, ép khách hàng mua bảo hiểm như thời gian qua.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-thi-truong-bao-hiem-vao-quy-dao.html
Zalo