Hoa Kỳ lo ngại học thuyết hạt nhân của Nga
Washington lo ngại Moscow có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân, mặc dù Điện Kremlin cho biết họ coi đó là 'phương sách cuối cùng'.
Hoa Kỳ “rất lo ngại” Nga có thể đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times vừa được công bố hôm nay (4/1).
Bình luận của ông nhằm trả lời cho những câu hỏi về cái gọi là “hành động đe dọa hạt nhân” của Moscow, dường như ám chỉ đến những thay đổi mà nước này đã thực hiện trong học thuyết hạt nhân của mình vào năm ngoái.
Nga đã công bố những cập nhật về học thuyết hạt nhân của mình sau khi các nước phương Tây ủng hộ Ukraine, bao gồm cả Hoa Kỳ, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước ngoài sản xuất để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
Vào tháng 11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt những thay đổi đối với học thuyết, mở rộng danh sách các điều kiện có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân. Bản cập nhật bao gồm các kịch bản mà hành động xâm lược của một quốc gia hoặc nhóm quốc gia phi hạt nhân, được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ, có thể được coi là “cuộc tấn công chung”. Tuy nhiên, tài liệu này mô tả vũ khí hạt nhân là “một biện pháp cực đoan và bắt buộc”, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của Moscow là ngăn chặn những căng thẳng có thể dẫn đến xung đột quân sự, bao gồm cả xung đột hạt nhân.
Blinken cho biết Washington coi những thay đổi này làm gia tăng nguy cơ leo thang hạt nhân. Trước đó, ông đã chỉ trích kế hoạch cập nhật học thuyết của Nga là “vô trách nhiệm”.
Moscow có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Các quan chức Nga đã nhiều lần tuyên bố họ coi việc sử dụng những vũ khí như vậy là “biện pháp cuối cùng”. Sau khi cập nhật học thuyết vào tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow “kiên quyết ủng hộ các hành động để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân”. Ông nói thêm kho vũ khí của Nga được dùng để răn đe hành vi xâm lược và là phương tiện ngăn chặn xung đột hạt nhân.
Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng cho biết việc tăng cường quân sự của Hoa Kỳ và triển khai tên lửa có khả năng hạt nhân trên toàn cầu có thể gây ra phản ứng tương xứng. Tháng trước, Nga và Belarus đã ký một hiệp ước an ninh, triển khai hệ thống tên lửa siêu thanh Oreshnik có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga tại Belarus. Oreshnik là loại tên lửa tiên tiến, được Moscow khẳng định là không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ hiện tại của phương Tây, có khả năng tiếp cận các mục tiêu trên khắp châu Âu trong vòng vài phút.