Hơn 200 người tị nạn Rohingya vượt biên vào Indonesia

Hơn 200 người Rohingya đã cập bờ tại tỉnh Aceh, Indonesia vào cuối tuần qua, theo thông tin từ một quan chức địa phương hôm thứ Hai.

Đây là dấu hiệu cho thấy số lượng người Rohingya vượt biên bằng đường biển đến quốc gia Đông Nam Á này đang ngày càng gia tăng.

 Phụ nữ tị nạn Rohingya tham gia lớp học làm bánh ở Malaysia. Ảnh: ICMC

Phụ nữ tị nạn Rohingya tham gia lớp học làm bánh ở Malaysia. Ảnh: ICMC

Người Rohingya, chủ yếu là người Hồi giáo đến từ Myanmar, được xem là cộng đồng không quốc tịch lớn nhất thế giới. Họ thường rời bỏ các trại tị nạn với điều kiện sống nghèo nàn trên những chiếc thuyền thô sơ để tìm đến Thái Lan, Indonesia hoặc Malaysia – các quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn. Thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4, khi biển lặng hơn, là giai đoạn thường thấy các cuộc di cư bằng đường biển.

Theo ông Miftach Tjut Adek, trưởng cộng đồng ngư dân ở Aceh, vào tối Chủ nhật, hơn 200 người Rohingya đã đến khu vực West Peureulak thuộc Đông Aceh, trên đảo Sumatra ở phía tây Indonesia.

Faisal Rahman, một quan chức thuộc Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), cho biết cơ quan này đang phối hợp với chính quyền địa phương và đội ngũ của UNHCR đã lên đường tới West Peureulak vào ngày thứ Hai.

Chỉ trong hai tháng 10 và 11 năm ngoái, hơn 500 người Rohingya đã cập bờ Indonesia bằng đường biển. Năm 2023, Indonesia ghi nhận hơn 2.000 người Rohingya đến nước này, vượt qua tổng số người tị nạn trong bốn năm trước đó, theo dữ liệu của UNHCR.

Hiện tại, gần 1 triệu người Rohingya đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh, nơi mà Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, ông Filippo Grandi, gọi là "trại tị nạn nhân đạo lớn nhất thế giới".

Ở Myanmar, quốc gia với đa số dân là Phật giáo, người Rohingya bị coi là những người nhập cư bất hợp pháp từ Nam Á. Họ không được công nhận là công dân và thường xuyên phải chịu các hành vi phân biệt đối xử, ngược đãi.

Cao Phong (theo Aljazeera, BBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-200-nguoi-ti-nan-rohingya-vuot-bien-vao-indonesia-post329135.html
Zalo