Hóa giải cơn khát thuốc hiếm
Ngành y tế TP HCM đã hoàn thiện quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho các trường hợp khẩn cấp
Ngộ độc hóa chất, botulinum, rắn cắn... phải có thuốc hiếm điều trị, nếu không tỉ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số thuốc hiếm trở nên khan hiếm khiến bệnh viện khó bảo đảm có đủ để dự phòng cấp cứu.
Đau lòng do hết thuốc
Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) mới đây tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc hóa chất được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Bình Chánh. Các bác sĩ chẩn đoán cả 2 bị ngộ độc Methemoglobin, cần sử dụng thuốc Blue Methylene, loại thuốc hiếm, khó tìm. Nếu không có thuốc giải bệnh nhân sẽ rối loạn tri giác, suy hô hấp, co giật, ngừng tuần hoàn và tử vong. Sau khi báo cáo khẩn, Bệnh viện Trưng Vương đã liên hệ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và nhận được 8 ống Blue Methylene cứu bệnh nhân qua nguy kịch.
Đây là một trong những trường hợp may mắn bị ngộ độc hóa chất hiếm được cứu chữa kịp thời nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các bệnh viện.
Trước đó, tháng 5-2023 đã xảy ra vụ ngộ độc Botulinum tại TP Thủ Đức khiến 6 người mắc phải. Thời điểm đó, thuốc giải Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) đã hết. Sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ sáu lọ thuốc hiếm giải độc chuyển khẩn cấp về Việt Nam. Tuy nhiên, 1 trong số bệnh nhân đã tử vong trước khi dùng thuốc giải độc vì đã qua "thời gian vàng".
Trường hợp đau lòng khác là một bệnh nhi 3 tuổi ở Phú Yên bị rắn cạp nia cắn. Các bác sĩ ở Phú Yên liên hệ vào TP HCM hỏi thuốc giải nhưng cả bệnh viện lớn cũng không còn. Dù được điều trị tích cực nhưng bé gái đã tử vong sau 1 tuần điều trị trước sự bất lực không có thuốc giải.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết bệnh viện là một trong số ít bệnh viện trên cả nước luôn dự trữ sẵn nguồn thuốc hiếm với số lượng đủ dùng. Hằng năm, khoa sẽ đề xuất các loại thuốc hiếm cần dự phòng. Sau khi hội đồng thuốc thông qua, Khoa Dược sẽ liên hệ các công ty sản xuất để mua với số lượng nhỏ. Thuốc hiếm trong hồi sức cấp cứu chủ yếu là thuốc giải độc như huyết thanh kháng nọc rắn, thuốc giải độc Cyanua và Methylene Blue điều trị MetHemoglobin. Nếu bệnh nhân cần thuốc mà không có thì bác sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Ngược lại, có thuốc hiếm có thể cứu sống bệnh nhân với tỉ lệ gần như 100%. Tuy nhiên, khó khăn lớn là thuốc có thể quá hạn vì không sử dụng, gây lãng phí.
Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TP HCM, cho biết thuốc hiếm có hai nhóm. Thứ nhất, là nhóm thuốc để điều trị bệnh hiếm. Vì là bệnh hiếm, ít khi xảy ra nên bệnh viện thường sẽ không chủ động dự trữ, còn khi dự trữ thì cũng có nguy cơ là không sử dụng phải hủy thuốc. Nhóm thuốc hiếm thứ 2 là loại không sẵn có trên thị trường Việt Nam. Do các thuốc hiếm nên nhu cầu sử dụng thuốc ít, các nhà nhập khẩu không có nhiều lợi nhuận nên không muốn nhập khẩu, thuốc này Việt Nam cũng chưa sản xuất được. Ví dụ như thuốc giải độc xanh Methylen (trong trường hợp bị Methemoglobin), huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, huyết thanh kháng nọc rắn... Không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng có trong tình trạng thiếu thuốc hiếm như vậy.
Chia sẻ cho các nơi
Ông Danh cho hay trước đây, việc cấp phép nhập khẩu các loại thuốc này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế và các công ty dược thường phải tổng hợp nhu cầu từ nhiều địa phương, dẫn đến thời gian chờ đợi lâu. Tuy nhiên, với quy trình mới, TP HCM là địa phương duy nhất trong cả nước được quyền cấp phép nhập khẩu thuốc hiếm, không phải đợi Bộ Y tế cấp phép như trước đây. "Điều này giúp TP thoát cảnh thiếu thuốc hiếm trong thời gian tới" - ông Danh nói.
Theo ông Danh, TP HCM là nơi tập trung các bệnh viện tuyến cuối, không chỉ có bệnh nhân tại TP HCM mà còn bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác đến điều trị. Vì vậy, trong một số trường hợp TP không đảm bảo cơ số thuốc hiếm sẵn có. Việc dự trữ thuốc hiếm sẽ giảm nguy cơ thiếu thuốc hiếm chứ không bao giờ triệt tiêu được việc thiếu thuốc hiếm. Vì ngay cả khi dự trữ sẽ không dự trữ phủ hết các tình huống. "Ví dụ, như dự trữ thuốc BAT dùng trong trường hợp ngộ độc tố thực phẩm, các chuyên gia đang đề xuất dự trữ từ 2-5 cơ số, dành 2-5 bệnh. Nếu trong trường hợp chùm ngộ độc 10 ca vẫn thiếu. Giờ mình đề xuất dự trữ 10 ca mà ngộ độc 20 ca thì vẫn là thiếu…" - ông Danh phân tích.
Thế nhưng, với đặc quyền được cấp phép nhập khẩu thuốc hiếm, khi các tỉnh, thành cần chia sẻ, TP HCM sẵn sàng vì cứu người là quan trọng nhất. Ngay cả nếu không điều chuyển thuốc cho các địa phương khác để điều trị tại chỗ thì người bệnh hoàn toàn có thể được chuyển về TP để tiếp tục điều trị. " TP HCM luôn xác định là địa phương tuyến cuối nên khi xây dựng danh mục thuốc đều tính luôn cho trường hợp người bệnh chuyển đến từ các địa phương khác trong khu vực" - ông Danh, nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TP HCM, trong thời gian qua, một số bệnh nhân cần điều trị thuốc hiếm đã được cứu sống nhờ sự chia sẻ kịp thời giữa các bệnh viện. Nhận định nhu cầu chia sẻ thông tin về thuốc cấp cứu để phục vụ công tác điều phối thuốc giữa các cơ sở y tế là hết sức cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh những loại thuốc hiếm có nhu cầu sử dụng thấp, chi phí rất cao, khan hiếm khiến các bệnh viện không có đủ tất cả các loại thuốc cấp cứu. Vì vậy, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu nhằm tạo ra một hệ thống thông tin liên kết giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn.
Hệ thống này giúp theo dõi, cập nhật và điều phối các loại thuốc cấp cứu, từ đó hỗ trợ bệnh viện trong việc tiếp cận nhanh chóng loại thuốc cần thiết khi đối mặt với những ca khẩn cấp. Sở Y tế sẽ triển khai thực hiện cập nhật dữ liệu tồn kho thuốc cấp cứu hiện có của một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP (sản, nhi, nhiễm, huyết học…). Tới đây, sở tiếp tục mở rộng sự tham gia chia sẻ dữ liệu, sử dụng phần mềm với các bệnh viện bộ ngành và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.
Khó khăn được giải quyết
Hiện TP HCM đã bắt đầu cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, giải quyết vấn đề khó khăn trong nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc dùng trường hợp khẩn cấp. Các bệnh viện sẽ được hỗ trợ sớm thông tin về thuốc cần thiết, xác định nguồn cung và hướng dẫn tiếp cận các công ty dược có chức năng nhập khẩu thuốc...