Hóa chất Acetonitrile trong rượu nguy hiểm ra sao?
Vụ ngộ độc Acetonitrile có trong rượu trắng xảy ra tại quận Long Biên (Hà Nội) đã khiến 2 người tử vong và nhiều người nhập viện. Sự việc này tiếp tục là lời cảnh báo về việc sử dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc.
Hóa chất Acetonitrile là gì?
Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho thấy, nguyên nhân khiến 2 người tử vong và hàng chục ca cấp cứu sau bữa ăn tại một Trung tâm hội nghị (ở Long Biên, Hà Nội) ngày 19/12 là ngộ độc hóa chất Acetonitrile có trong rượu trắng.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS. Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, Aceytinotrile có độc tính thấp, tuy nhiên trong một số trường hợp Acetonitrile có thể chuyển hóa để tạo ra Hydro xyanua có độc tính cao.
Aceytinotrile cũng được sử dụng là nguyên liệu sản xuất các dẫn xuất pyridine là chất trung gian của thuốc diệt cỏ sulfonylurea. Nó còn dùng để sản xuất vitamin B1 trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, pin, các sản phẩm cao su...
Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol, không phải Acetonitrile. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu Acetonitrile được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì ngộ độc Acetonitrile có thể xảy ra.
"Trong các loại rượu giả, Acetonitrile có thể được tìm thấy do việc pha trộn hóa chất công nghiệp để thay thế ethanol. Điều này là cực kỳ nguy hiểm vì Acetonitrile rất độc hại đối với cơ thể...", BS. Thiệu nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất rượu, nếu nguyên liệu hoặc môi trường bị ô nhiễm, Acetonitrile có thể được tạo ra như một sản phẩm phụ từ sự phân hủy Nitơ hữu cơ hoặc từ các quá trình hóa học không mong muốn.
Các tạp chất trong nguyên liệu thô, chẳng hạn như hạt ngũ cốc bị hỏng hoặc nhiễm bẩn, có thể góp phần tạo ra Acetonitrile trong rượu.
“Acetonitrile là một dung môi công nghiệp, thường không có trong thành phần tự nhiên của rượu. Khi vào cơ thể, Acetonitrile được chuyển hóa thành Cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng”, BS. Thiệu cho biết.
Nhận biết các dấu hiệu ngộ độc
Mặc dù hóa chất này có độc tính thấp, nhưng trong một số trường hợp Acetonitrile có thể chuyển hóa để tạo ra Hydro xyanua có độc tính cao. Nó có thể hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, da và phổi.
Các triệu chứng và dấu hiệu ngộ độc Acetonitrile cấp tính bao gồm: Đau tức ngực, loạn nhịp tim; buồn nôn, nôn; hạ huyết áp; hô hấp nông và ngắn; đau đầu, bồn chồn, co giật.
Trong giai đoạn nhiễm độc cấp tính, nồng độ Xyanua và Thiocyanat trong máu tăng cao. Tác dụng gây độc toàn thân đều dường như do sự chuyển đổi của Acetonitril thành Xyanua.
Khi nghi ngờ ngộ độc rượu chứa Acetonitrile, BS. Thiệu khuyến cáo, cần dừng ngay việc uống rượu; uống nước hoặc sữa để làm giảm hấp thụ độc tố (không gây nôn nếu không có hướng dẫn của bác sĩ).
Đồng thời, cần đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế ngay lập tức, mang theo mẫu rượu để bác sĩ phân tích và đưa ra phương án điều trị kịp thời.
Vụ việc tại Long Biên là lời cảnh báo về nguy cơ ngộ độc từ việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, đặc biệt khi trong rượu có thể chứa các hóa chất công nghiệp nguy hiểm như Acetonitrile. Để bảo vệ sức khỏe, BS. Thiệu cũng khuyến cáo, người dân nên chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất và phân phối bởi các cơ sở uy tín; tránh sử dụng rượu tự nấu hoặc không có nhãn mác, vì có thể chứa các tạp chất hoặc hóa chất độc hại.
Người dân cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn.