Hoa cà phê trắng xóa triền đồi Nam Tây Nguyên
Dù chưa đến Tháng 3, nhưng ở Nam Tây Nguyên, đã đến mùa con ong đi lấy mật, bởi hoa cà phê đang nở trắng xóa ngát thơm khắp các triền đồi.

Hoa cà phê nở trắng xóa cả một vùng
Những ngày này, từ thủ phủ cà phê Di Linh đến vùng sâu Đam Rông, từ vùng đất dưới chân núi Min Trạm Hành đến xã Tà Nung của thành phố Đà Lạt và trải dài đến huyện Lâm Hà, hoa cà phê cùng bung nở sau những đợt tưới chủ động và cả những trận mưa “vàng” đúng thời điểm.
Hoa nở ở vườn xa, hoa nở cả ở quanh nhà. Khắp các khu vườn, hương cà phê thoang thoảng len vào từng góc nhà.

Thảm “tuyết trắng” hoa cà phê phủ lên vùng đất cao nguyên
Đối với người dân Tây Nguyên, mùa hoa cà phê không chỉ là thời điểm đất trời thêm vẻ đẹp tinh khôi, mà còn mang theo tín hiệu cho một vụ mùa sắp tới. Bởi với những người nông dân giàu kinh nghiệm, chỉ cần nhìn vào lượng hoa nở là có thể đoán trước được phần nào kết quả sản lượng thu hoạch năm sau.

Những vườn hoa cà phê trắng xóa làm tăng thêm vẻ lãng mạn cho những cung đường
Ngôi nhà nhỏ của bà Trần Thị Hường (Thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông) được bao bọc bởi vườn cà phê ngay bên nhà. Phấn khởi nhìn 2 ha cà phê nở hoa trắng xóa giữa nền lá xanh trong ánh nắng tháng Giêng vàng như mật, bà Hường cho biết: “Gia đình chúng tôi chỉ mới tưới pét 1 đợt thì hoa đã nở rộ thế này. Phải tưới pét hoặc trời mưa thì cà phê mới có thể nở hoa đồng loạt, tưới gốc thì hoa sẽ nở không đều. Nếu không có gì bất thường thì với lượng hoa nở đều như hiện tại, gần như chắc chắn sẽ đậu quả 100%. Thông thường, chúng tôi đợi 1 tuần đến 10 ngày để hoa tàn, sau đó tưới lại và tập trung lặt chồi, bỏ phân cho cây”.

Nông dân trồng cà phê phấn khởi trước mùa vụ mới
Hiện, toàn xã Rô Men có trên 1.500 ha cà phê với hơn 1.800 hộ trồng. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết: “Cà phê được xác định là cây chủ lực để phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời điểm giá cà phê vẫn đang tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bà con nông dân phấn khởi vì hoa nở đều hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Việc chăm sóc cây cà phê cũng được người dân chú trọng hơn, đặc biệt là việc đầu tư máy móc, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây cà phê trong thời điểm ra hoa, kết trái”.

Mùa hoa cà phê cũng là mùa con ong đi lấy mật

Vẻ đẹp tinh khôi của hoa cà phê báo hiệu một vụ mùa bội thu sắp tới
Ở Thôn 4, xã Tân Thượng, huyện Di Linh, ngay trong những ngày ăn Tết Nguyên đán, ông K’Tếp vẫn không quên lên xuống đồi, theo dõi tình hình vườn cà phê của gia đình và cả những vườn quanh đó. Ông cho hay: “Hoa cà phê nở tùy theo mỗi năm, nếu mưa sớm thì cà phê nở hoa 2 đợt, còn mưa không nhiều thì nở 2-3 đợt và nở khoảng 1 tuần thì hoa rụng, kết trái. Ở địa phương chúng tôi chủ yếu địa hình đồi dốc, phải tưới gốc, không tưới pét được nên bà con lại càng phải chủ động tưới tiêu. Có mưa thì mừng vì vừa giảm được công cán, giảm chi phí và hoa nở đều, nhưng phải đúng thời điểm, bởi nếu buổi sáng hoa nở mà chiều có mưa thì hoa lại hư hết”.
Từ giữa tháng 2, những cơn mưa đã bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương trên địa bàn huyện Di Linh, trong niềm hân hoan, phấn khởi của những người nông dân.

Tuổi thơ của những đứa trẻ ở Tây Nguyên gắn bó với vườn cà phê
Năm 2024, người trồng cà phê nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng lao đao vì khô hạn, năng suất vì vậy cũng sụt giảm hơn. Do đó, ngay khi mùa thu hoạch kết thúc, người nông dân đã sớm “dưỡng sức” cho cây cà phê bằng việc cắt cành, bón phân, tưới nước... để cây đâm chồi, nảy lộc, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

Du khách mê mẩn chụp ảnh với hoa cà phê
Những bàn tay cần mẫn, chăm chút cho một mùa hoa, vừa phập phồng theo mưa nắng, vừa áp dụng những kinh nghiệm trong bao nhiêu năm gắn bó với cây cà phê để linh hoạt thay đổi theo thời tiết, đất trời. Và từng thảm “tuyết trắng” phủ lên cao nguyên những ngày này như là sự đáp đền xứng đáng cho những chăm bẵm, mong chờ, tâm huyết đó.

Hoa cà phê đồng loạt nở rộ hứa hẹn một mùa vụ bội thu