Măng vầu luộc gây 'sốt' mạng xã hội: Chuyên gia khuyến cáo
Trước cơn 'sốt' ăn măng vầu luộc, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội đưa ra cảnh báo về nguy cơ ngộ độc nếu ăn măng vầu tươi không được chế biến đúng cách.
Thời gian gần đây, măng vầu luộc – một đặc sản từ vùng núi Tây Bắc trở thành món ăn gây "sốt" trên mạng xã hội. Hình ảnh và video ghi lại khoảnh khắc thưởng thức món ăn này với nhiều biểu cảm từ ngạc nhiên đến thích thú liên tục xuất hiện trên TikTok, Facebook và YouTube, thu hút sự quan tâm của đông đảo thực khách.
Những video này chủ yếu xoay quanh việc ăn măng vầu luộc ngay tại chỗ, chấm chẩm chéo - gia vị đặc trưng của Tây Bắc để cảm nhận rõ hương vị nguyên bản.


Măng vầu chấm chẩm chéo được nhiều người ăn và quay clip lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Sức hút của món ăn đến từ sự tò mò về hương vị đặc trưng của măng vầu, cùng với những phản ứng hài hước của người trải nghiệm. Nhiều TikToker nổi tiếng cũng tham gia thử thách, góp phần đẩy mạnh sự lan tỏa của xu hướng này.

Măng vầu được bán nhiều trên mạng xã hội.
Sự lan tỏa mạnh mẽ trên không gian mạng khiến nhu cầu tiêu thụ măng vầu tăng cao. Trên các sàn thương mại điện tử và "chợ mạng", loại măng này được rao bán với giá dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Nhiều người săn lùng mua măng về để tự chế biến hoặc thưởng thức theo cách nguyên bản như trong các video được lan truyền trên mạng.
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ chuyên gia
Tuy nhiên, trước cơn "sốt" của món ăn này, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ ngộ độc nếu măng vầu tươi không được chế biến đúng cách.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội), chế biến măng không cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc. Nguyên nhân chính là do măng tươi chứa độc tố cyanide. Khi vào cơ thể, chất này có thể chuyển hóa thành axit cyanhydric (HCN), gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến ngộ độc nặng.

Măng vầu cần chế biến đúng cách để tránh bị ngộ độc.
Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định rằng độc tố trong măng vầu có thể được loại bỏ nhờ quá trình chế biến đúng cách. Độc tố cyanide có khả năng hòa tan trong nước và bay hơi khi đun nóng, vì vậy người dân từ lâu đã áp dụng phương pháp ngâm và luộc măng tươi nhiều lần, sau đó đổ bỏ nước luộc để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng các trường hợp ngộ độc thường xuất phát từ việc tiêu thụ măng tươi chưa qua xử lý đúng cách. Trong khi đó, các loại măng đã qua chế biến như măng chua, măng khô hay măng ngâm nước đều được loại bỏ phần lớn độc tố, giúp người dùng yên tâm hơn khi thưởng thức.
Dù là một món ăn hấp dẫn và đang trở thành "hot trend" trên mạng xã hội, măng vầu luộc vẫn cần được chế biến kỹ lưỡng để tránh rủi ro sức khỏe, đảm bảo trải nghiệm ẩm thực an toàn cho người tiêu dùng.
"Siết" chặt khai thác măng vầu tự nhiên
Sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng đã thúc đẩy hoạt động khai thác măng vầu, dẫn đến tình trạng thu hái ồ ạt, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng tự nhiên của cây và hệ sinh thái rừng.
Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn và để đảm bảo yêu cầu cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác măng vầu vào các năm tiếp theo, UBND huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện không được khai thác, mua bán, vận chuyển măng vầu tươi dưới mọi hình thức kể từ ngày 1/3/2025.
Các đơn vị chủ rừng tổ chức chăm sóc, bảo vệ diện tích cây vầu sau khai thác, đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ măng vầu sau thời gian có quy định dừng khai thác.