Hòa bình gần hơn với Ukraine sau điện đàm Trump-Putin?
Điện đàm Trump-Putin phần nào tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác đàm phán giữa Nga và Ukraine, song vẫn chưa thể nói chắc về triển vọng hòa bình cho Ukraine.
Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng hai tiếng, tập trung bàn giải pháp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Cả hai nhà lãnh đạo đều đánh giá rằng đây là cuộc điện đàm thẳng thắn, ý nghĩa và hiệu quả.
Mở rộng hơn cánh cửa đàm phán
Trong cuộc điện đàm với ông Trump, ông Putin khẳng định rằng Nga ủng hộ giải quyết cuộc chiến Ukraine bằng biện pháp hòa bình nhưng điều quan trọng nhất là cần phải loại bỏ “nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này”.
Tổng thống Putin không đồng ý khả năng ban hành lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện trong 30 ngày như Ukraine, Mỹ và nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mong muốn.
Thay vào đó, theo ông Putin, Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng hợp tác với phía Ukraine để “soạn thảo bản ghi nhớ liên quan đến thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai”. Bản ghi nhớ này sẽ phác thảo một loạt điều khoản, chẳng hạn như các nguyên tắc giải quyết xung đột, khung thời gian cho một thỏa thuận hòa bình có thể có và các vấn đề khác, bao gồm lệnh ngừng bắn tạm thời.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES
Trước khi điện đàm với ông Putin, ông Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Sau khi kết thúc điện đàm với ông Putin, ông Trump có cuộc điện đàm lần hai với ông Zelensky và lần này có sự tham gia của một số lãnh đạo Âu.
Lên tiếng sau các cuộc điện đàm, theo ông Trump, cả lãnh đạo Nga và Ukraine đều đồng ý sẽ ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán để đạt được một lệnh ngừng bắn, hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự. Ông Trump nói rằng các điều kiện ngừng bắn này sẽ được hai bên trực tiếp thương lượng bởi chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ nội tình.
Phần mình, ông Zelensky cho biết Ukraine có thể ký một bản ghi nhớ về việc giải quyết xung đột với Nga như ông Putin đề xuất và hiện đang chờ xem bản ghi nhớ đề xuất của Moscow như thế nào.
Theo ông Zelensky, Ukraine sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Nga dưới bất kỳ hình thức nào miễn là đem lại kết quả và Kiev đang xem xét khả năng tổ chức một cuộc họp với các phái đoàn Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tại những quốc gia trung lập như Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ.
Chuyên gia tại trường King's College London (Anh) nói với kênh Al Jazeera rằng có thể có ba kết quả có thể xảy ra từ cuộc điện đàm Trump-Putin. Đầu tiên, lãnh đạo Mỹ và Nga có thể đồng ý về một số hình thức ngừng bắn. Thứ hai, ông Trump và ông Putin có thể không đồng ý hoặc tìm ra lập trường chung. Thứ ba, Nga sẽ nói rằng "chúng tôi đã sẵn sàng ngừng bắn nhưng đây là danh sách các điều kiện của chúng tôi".
Con đường hòa bình còn xa
Trước cuộc điện đàm giữa ông Trump-Putin, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng việc chấm dứt chiến sự sẽ đòi hỏi "một quá trình khá gian nan và có lẽ là kéo dài". Sau cuộc điện đàm này, tờ DW cũng nhận định dù tín hiệu lạc quan là các bên sẵn sàng và có thể đối thoại nhưng vẫn chưa đến gần hơn lối thoát cho cuộc chiến.
Dường như khó có thể mong đợi cuộc chiến Nga-Ukraine có thể kết thúc trong một sớm một chiều khi mà hai bên tham chiến chưa tìm được tiếng nói chung và còn nhiều bất đồng.
Những bất đồng căn bản giữa hai bên có thể kể đến là việc Nga muốn kiểm soát bán đảo Crimea cùng bốn tỉnh Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập năm 2022 song Nga chưa kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, Ukraine khẳng định không rút quân khỏi bốn tỉnh này và không từ bỏ chủ quyền, lãnh thổ của mình.

Lính Ukraine chiến đấu ở mặt trận Donetsk hồi tháng trước. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cạnh đó, Moscow muốn Kiev không gia nhập NATO, duy trì trạng thái trung lập và hạn chế quy mô quân đội. Kiev không chấp nhận hạn chế đối với quy mô quân đội dù đã dịu giọng hơn về ý muốn gia nhập NATO sau khi chính quyền ông Trump không đồng ý.
Trong khi Ukraine muốn một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện rồi mới tiến tới đàm phán thì Nga yêu cầu phương Tây dừng mọi hỗ trợ quân sự cho Ukraine trước khi lệnh ngừng bắn bắt đầu vì lo ngại Ukraine sẽ tận dụng khoảng thời gian “đóng băng” trên tiền tuyến để phản công.
Trong nỗ lực hòa giải Nga và Ukraine, Mỹ vẽ ra viễn cảnh Nga-Mỹ hợp tác thương mại quy mô lớn và Ukraine hưởng lợi từ thương mại trong quá trình tái thiết khi chiến sự kết thúc. Tuy nhiên, theo lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, ông Trump đã “ngày càng mệt mỏi và thất vọng với cả hai bên tham chiến”.
Trả lời báo chí sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump ám chỉ rằng Mỹ có thể rút khỏi vai trò trung gian hòa giải nếu các cuộc đàm phán không thành công, nhưng không nói rõ sẽ dành thời gian bao lâu nữa để giúp hai bên đi tới thỏa thuận.
Châu Âu tăng sức ép trừng phạt lên Nga
Ngày 19-5, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tăng áp lực lên Nga thông qua các lệnh trừng phạt mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cho họ về nội dung cuộc gọi của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo tờ Guardian.
"Châu Âu và Mỹ nhất trí cao về vấn đề này: Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ Ukraine trên con đường hướng tới lệnh ngừng bắn. Châu Âu sẽ tăng áp lực lên Moscow bằng các lệnh trừng phạt và đây là điều chúng tôi đã nhất trí với (ông Trump) sau cuộc điện đàm của ông ấy với ông Putin"- ông Merz viết trên X.
EU dự kiến thông qua gói trừng phạt thứ 17 lên Nga vào ngày 20-5, chủ yếu nhắm vào các tàu trong “hạm đội bóng đêm”của Nga và doanh thu năng lượng của nước này.
Cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 18 tiếp tục nhắm vào việc làm giảm doanh thu từ năng lượng Nga với đề xuất hạ giá trần dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga cho các nước thuộc Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7).
Trước những động thái cứng rắn từ châu Âu, Tổng thống Trump không loại trừ khả năng áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga nhưng tỏ ý rằng đây không phải là điều sắp xảy ra.