Điều bất thường trong phiên điều trần của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio
Trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 20/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gạt bỏ những lời chỉ trích về việc cắt giảm viện trợ và ngân sách ngoại giao khi ông khẳng định Mỹ 'không rút lui khỏi trường quốc tế'. Có lúc, phiên điều trần trở thành một cuộc trao đổi to tiếng, điều bất thường đối với một ủy ban từ lâu đã nổi tiếng là lưỡng đảng.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tham dự phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về yêu cầu ngân sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Ông Rubio phải đối mặt với những câu hỏi liên quan đến chính sách nhập cư của chính quyền, cũng như mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngoại trưởng cho biết mục đích của những thay đổi này "không phải để phá bỏ chính sách đối ngoại của Mỹ và không phải là để rút chúng ta khỏi trường quốc tế". "Tôi vừa đến 18 quốc gia trong 18 tuần", ông Rubio nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. "Điều đó nghe có vẻ không giống như một sự rút lui".
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen chỉ trích gay gắt việc ông Rubio thay đổi quan điểm về các vấn đề mà ông đã ủng hộ khi còn là thượng nghị sĩ, nói thêm rằng ông hối hận vì đã bỏ phiếu xác nhận ông Rubio cho vị trí ngoại trưởng. "Ông đã hợp tác với Tổng thống Trump để đẩy người dân Ukraine vào thế khó, và bị Nga lợi dụng", ông Van Hollen nói.
"Trước hết, việc ông hối hận vì đã bỏ phiếu cho tôi cho thấy tôi đang làm tốt công việc của mình", ông Rubio đáp trả, trước khi phiên điều trần chuyển sang một cuộc trao đổi to tiếng, điều bất thường đối với một ủy ban từ lâu đã nổi tiếng là lưỡng đảng.
Cắt giảm viện trợ
Trong phiên điều trần thứ hai, một số thượng nghị sĩ đã lên tiếng ủng hộ việc viện trợ và các hình thức duy trì quyền lực mềm. "Với tôi, đây là an ninh quốc gia dưới một hình thức khác. Và với những người không hiểu điều đó, các bạn đang bỏ lỡ rất nhiều", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, chủ tịch tiểu ban đối ngoại về phân bổ ngân sách của Thượng viện, cho biết.
Đáp lại, Ngoại trưởng Rubio bảo vệ việc cắt giảm viện trợ nước ngoài, khẳng định những chương trình mà ông cắt giảm không phục vụ cho lợi ích của Mỹ, và Washington sẽ vẫn là nhà tài trợ viện trợ nhân đạo hào phóng nhất thế giới.
Ông Rubio cho biết, yêu cầu ngân sách 28,5 tỷ đô la của chính quyền cho năm tài chính 2025 - 2026 sẽ cho phép Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tầm nhìn của Tổng thống Trump, trong khi cắt giảm 20 tỷ đô la "các chương trình trùng lặp, lãng phí và có động cơ ý thức hệ".
Các thượng nghị sĩ cũng hỏi ông Rubio về kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm gỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria, vai trò của ông Rubio trong chính sách nhập cư của chính quyền, việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Dải Gaza và những nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
"Tôi tin rằng Israel có thể đạt được mục tiêu đánh bại Hamas trong khi vẫn cho phép viện trợ vào Dải Gaza với số lượng đủ", ông Rubio nói.
Ngoại trưởng cho biết, Washington đã hỏi các nước khác trong khu vực rằng liệu họ có sẵn sàng tiếp nhận những người Palestine muốn di tản khỏi Dải Gaza hay không. Tuy nhiên, ông phủ nhận báo cáo cho rằng Libya đang đàm phán để tiếp nhận dân thường từ Dải Gaza.
Ông Rubio là người đầu tiên kể từ sau ông Henry Kissinger giữ chức vụ ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia cùng lúc.
Ngày 21/5, ông Rubio sẽ phải tham gia thêm hai phiên điều trần, cả hai đều tại Hạ viện.