Hòa Bình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
Hiện tỉnh Hòa Bình có hơn 20.300 hộ nghèo, trong đó 6.300 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát, khoảng 3.200 hộ đang có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào 'xóa nhà tạm, nhà dột nát', tỉnh Hòa Bình đã phát động đợt thi đua 450 ngày hoàn thành chương trình này.
Mai Châu là huyện còn gặp nhiều khó khăn ở tỉnh Hòa Bình. Sau khi rà soát theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Mai Châu có 335 hộ được nhận hỗ trợ xóa nhà tạm. Ông Hà Văn Ứng ở xóm Xăm Phà, xã Nà Phòn là một trong những hộ nghèo ở huyện Mai Châu được hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm. Do điều kiện kinh tế quá khó khăn khi nhận được 45 triệu đồng chỉ đủ sửa lại phần mái cho đỡ dột, phần móng cột vẫn còn dùng tạm khi nào có điều kiện sẽ sửa chữa sau.
Ông Ứng cho biết: "Cái này cũng có anh em, chú bác đến làm giúp. Tiền công thợ không đủ mình phải vay thêm. Phần dỡ mái ra thì tổ liên gia đến làm giúp".
Bà Hà Thị Ân ở xóm Nà Mo là hộ nghèo trong xã Nà Phòn cũng được nhà nước hỗ trợ tiền để làm nhà. Được hỗ trợ, gia đình quyết tâm vay mượn thêm họ hàng, bạn bè dựng hẳn một căn nhà mới chắc chắn: "Nhà nước hỗ trợ 45 triệu đồng, vay họ hàng anh em 50 triệu. Cũng chưa biết là hết bao nhiêu nhưng tạm thời vay trước như thế, sau này thiếu thì vay thêm".
Ở huyện Mai Châu đa số là đồng bào người Thái sinh sống và nếp nhà sàn là truyền thống đặc trưng của đồng bào nơi đây. Để có thể làm được nếp nhà sàn kiên cố, đảm bảo theo tiêu chí 3 cứng, thì phải chuẩn bị gỗ nhiều năm, chi phí công thợ cũng phải lên tới 200 triệu đồng. Chính vì vậy, cùng với tiền hỗ trợ của nhà nước thì công sức đóng góp của bà con làng xóm sẽ giúp được rất nhiều cho các hộ nghèo khi dựng nhà mới.
Ông Vì Văn Thắng, Bí thư Chi bộ xóm Nà Mo, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, cho biết: "Chương trình xóa nhà tạm người dân bước đầu giúp ngày công, kéo gỗ, hôm dựng thì bà con tập trung đến dựng giúp, còn mang gạo rượu, tiền đến hỗ trợ gia đình. Ngày lợp bà con tập trung xóm mỗi hộ một người đến để lợp giúp".
Có một thực tế ở vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, qua nhiều đời người dân thường làm nhà xen ghép trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây cũng là khó khăn đối với chính quyền địa phương khi xét duyệt hỗ trợ theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Lò Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, cho biết: "UBND xã tổ chức họp để thẩm định gia đình nào có giấy chứng nhận QSDĐ thì chọn hộ đấy. Những hộ nào chưa có thì chỉ đạo rà soát đúng đối tượng, đúng người sử dụng, không có tranh chấp, không có vi phạm luật đất đai thì chúng tôi sẽ lập hồ sơ trình các cấp thẩm định".
Trước khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào xóa nhà tạm, xóa nhà dột nát, từ năm 2020 Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc miền núi 1719 cũng triển khai xóa nhà tạm ở vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, huyện Mai Châu đã có 100 hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm.
Ông Hà Tuấn Hải, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mai Châu, cho biết một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình này: "Chúng tôi vẫn phải đi rà soát khi danh sách xã gửi lên, phải xem chỗ đất người ta xây có hợp lý, hợp lệ không, có đang ở trong khu vực đất rừng, quy hoạch rừng nếu mình đưa ngân sách làm nhà, đương nhiên là hợp thức hóa nhà ở đó. Vì vậy trước khi duyệt chúng tôi cũng phối hợp Phòng KTHT và xã xem xét vị trí người ta làm nhà ở vị trí nào để tránh sau này họ lại bảo cho tiền làm nhà ở đây rồi giờ cấp bìa đỏ lại không cấp là rất khó".
Thời gian qua, các cấp, các ngành ở huyện Mai Châu và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người nghèo, phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, ai có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của giúp của, ai công giúp công cùng chung tay hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với Chương trình 1719, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Mai Châu phối hợp cùng Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Mai Châu tiến hành rà soát xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 600 hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Kiều Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Mai Châu, cho biết: "Giao cho các ban ngành đoàn thể ở xóm đó dỡ nhà, đào móng không mất tiền. Cứ 10 người một nhóm phân nhau ra ngày này sẽ đến giúp, cơ bản khi làm xong nhà đều xã hội hóa hết. Có nhà chỉ mất 80 triệu thôi cũng làm được nhà mà người ta mơ ước. Nếu nhà nào khó khăn quá sẽ vận động toàn xóm người 10 nghìn, người giúp 100 nghìn… Cơ bản hỗ trợ nhà đó để không phải vay vốn hỗ trợ của Ngân hàng chính sách".
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn khoảng 3.200 hộ dân đang có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Với nguồn lực địa phương còn hạn chế thì để đạt được mục tiêu đến hết năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát, Hòa Bình đang rất sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể và mọi nguồn lực xã hội hóa từ những nhà hảo tâm.