Ho mạnh có thể giúp qua cơn đột quỵ?
Hiện tại chưa có y văn nào trên thế giới ghi nhận cách 'ho mạnh có thể giúp qua cơn đột quỵ'.
Thưa bác sĩ, gần đây tôi thấy trên mạng chia sẻ rằng nếu lên cơn đau tim, mình nên ho thật mạnh và liên tục để qua cơn đột quỵ. Điều này có đúng không? Có nên làm theo không?
Trả lời
Đầu tiên, chúng ta nên làm rõ một số khái niệm cơ bản:
Cơn đau tim có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng đối với bệnh nhân có những bệnh lý tim mạch - chuyển hóa, đặc biệt như mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu… thì cơn đau tim có thể là do bệnh lý mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn gây ra.
Đột quỵ là tình trạng mạch máu ở não bị tắc hoặc do thuyên tắc (cục máu đông từ nơi khác chạy đến) hoặc mạch máu ở não bị vỡ gây chảy máu trong não (có thể gặp trong tình trạng huyết áp quá cao gây vỡ mạch máu não).
Ho là tình trạng cơ thể đang cố gắng đưa các chất, các sản phẩm thừa tại đường dẫn khí mà cơ thể mong muốn loại bỏ. Tham gia vào cơ chế ho, có sự vận động mạnh của các cơ, đặc biệt là các cơ hô hấp chính và phụ (cơ hoành, cơ liên sườn).
Chính vì vậy việc cố tình ho mạnh sẽ khiến cơ thể tăng huyết áp, tăng vận động mạnh của các cơ và việc đó sẽ không tốt với bệnh lý đau tim do mạch vành và cơn đột quỵ.
Ho mạnh để qua cơn đột quỵ không phải là cách được khuyến nghị
Trong y văn ghi nhận thuật ngữ "Cough CPR”, đó là biện pháp tạm thời có thể được sử dụng cho trường hợp rối loạn nhịp tim đột ngột trong trong lúc bệnh nhân mổ tim.
Trong những trường hợp này, bệnh nhân còn tỉnh và được theo dõi liên tục, bác sĩ có thể hướng dẫn họ ho mạnh để duy trì lưu lượng máu lên não trong vài giây cho đến khi rối loạn nhịp tim được điều trị. Tuy nhiên, kỹ thuật này không hiệu quả với tất cả bệnh nhân và không nên trì hoãn việc điều trị chính thức.
Tính tới hiện tại, biện pháp trên đã không còn được áp dụng và vẫn chưa có y văn nào trên thế giới ghi nhận cách “ho để qua cơn đột quỵ” cả.
Việc cố gắng ho mạnh sẽ khiến cho cơ thể đang gắng sức, từ đó gia tăng huyết áp và tăng nhu cầu oxy cho cơ thể; đây là điều bất lợi cho những bệnh nhân có những cơn đau tim thật sự (cơn đau tim do bệnh lý mạch vành gây ra). Vì vậy không khuyến cáo người bệnh cố gắng ho mạnh khi có cơn đau tim với mong muốn qua cơn đột quỵ.
Xử trí đúng khi xuất hiện cơn đau
Đối với đau tim, việc quan trọng nhất là đánh giá nguyên gây ra cơn đau tim. Nếu cơn đau là do bệnh lý mạch vành thì người bệnh nên nghỉ ngơi nếu như có đang làm việc nặng, sử dụng các viên thuốc giảm đau ngực tức thời nếu như trước đó bác sĩ có kê và hướng dẫn trong toa thuốc.
Khi tình trạng đau ngực không thuyên giảm, hoặc tái phát nhiều lần, cơn đau mỗi lúc càng nặng hơn và không đáp ứng với thuốc giảm đau ngực thì người bệnh nên đi tái khám sớm hơn.
Đối với các thông tin mẹo chữa bệnh lan truyền trên mạng hiện nay rất đa dạng với nhiều mục đích khác nhau, chính vì vậy không nên tuyệt đối tin theo vì có thể sẽ gặp nhiều những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi áp dụng các phương pháp, các mẹo chữa bệnh để tránh biến chứng đó.
ThS.BS. ĐÀO QUANG HOÀNG - Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch Lão học, Bệnh viện TP Thủ Đức.